Trung Quốc tức giận vì Hoa Kỳ hỗ trợ các nước Tiểu vùng sông MeKong

Link Video: https://youtu.be/tSk8IJ1TncA

Ngày 11/3, RFA loan tin, “Sông Mekong: Trung Quốc chặn dòng, Hoa Kỳ trợ giúp”.

Theo bài báo, khu vực sông Mekong là vùng chịu nhiều thương tổn do mạng lưới đập thủy điện do Trung Quốc xây dựng trên thượng nguồn. Từ lâu, Trung Quốc đã xây xong 11 đập thủy điện ở thượng nguồn Mekong.

Trong nhiều năm vùng hạ lưu Mekong đã phải chịu đựng hạn hán, xâm nhập mặn và sạt lở do thiếu nước ngọt từ thượng nguồn. RFA cho biết, năm 2020, vùng hạ lưu sông Mekong đã chứng kiến một đợt hạn hán, khô hạn nghiêm trọng, hủy hoại nông nghiệp trong vùng. Trước tình trạng này, Trung Quốc đã xả một ít nước và tuyên bố là mình đã có “thiện chí”.

Trong khi đó, theo RFA, Hoa Kỳ đã triển khai chương trình “Hợp tác Mekong – Hoa Kỳ”, viết tắt là MUSP nhằm hỗ trợ các nước Tiểu vùng sông Mekong. MUSP là một phần của chính sách Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở của Hoa Kỳ.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ còn thành lập “Sáng kiến Hạ lưu sông Mekong” (viết tắt là LMI) nhằm tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực môi trường, y tế, giáo dục và phát triển cơ sở hạ tầng giữa các nước thuộc Tiểu vùng sông Mekong. Chương trình này đã được nâng cấp lên thành MUSP nhằm mở rộng hơn nữa sự hợp tác và tăng thêm cơ hội phát triển.

MUSP đóng vai trò là một cơ chế quan trọng để giải quyết các vấn đề xuyên biên giới như buôn người, y tế công cộng, quản lý tài nguyên thiên nhiên và ứng phó với thiên tai. MUSP đã xây dựng nhiều sáng kiến nhằm tạo thuận lợi cho hợp tác an ninh lương thực, chẳng hạn như Dự án Phát triển Giống cây trồng của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, dự án thúc đẩy tầm nhìn chung giữa các quốc gia trong Khu vực sông Mekong thông qua phát triển năng lực của các định chế chính trị xã hội giáo dục cho nghiên cứu và sáng tạo đổi mới.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng cho RFA biết, từ năm 2009 đến nay, Chính phủ Hoa Kỳ đã cung cấp hơn 4,3 tỷ đô la viện trợ không hoàn lại song phương và khu vực cho năm quốc gia đối tác Mekong. Trong đó bao gồm việc cung cấp 4,5 triệu liều vacxin COVID-19 và hơn 80 triệu đô la hỗ trợ COVID-19.

Hình: Bài trên RFA

Việt Nam là một nước thuộc Tiểu vùng sông Mekong và chịu nhiều tác động. RFA dẫn lời Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết, Việt Nam đóng vai trò tích cực và quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực thuộc chương trình MUSP. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhận thấy Việt Nam ngày càng dễ bị thương tổn trước biến đổi khí hậu và thiên tai.

Mặc dù là nước góp phần gây ra các thương tổn trong vùng sông Mekong, nhưng Trung Quốc đã phản đối những chính sách này của Hoa Kỳ, thậm chí còn lớn tiếng đe dọa.

Vào ngày 7/3, một ngày trước buổi ra mắt Báo cáo của Stimson Center về chương trình MUSP, RFA cho biết, cả Tổng Bí thư Tập Cận Bình và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương đã đồng thanh lên án Hoa Kỳ “can thiệp” vào khu vực. Tập Cận Bình nói: “Các nước phương Tây do Hoa Kỳ lãnh đạo đã ngăn chặn, bao vây và đàn áp chúng ta toàn diện, đem lại những thách thức nghiêm trọng chưa từng có đối với sự phát triển của đất nước chúng ta”. Ngoai trưởng Tần Cương thậm chí cảnh cáo, nếu Hoa Kỳ không dừng lại thì sẽ có “xung đột và đối đầu”. 

Trả lời câu hỏi của RFA về phát ngôn của Ngoại trưởng Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng, “chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các trụ cột cốt lõi trong chiến lược Trung Quốc của mình: “Đầu tư, Liên kết, Cạnh tranh”. Chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ các lợi ích và giá trị của Hoa Kỳ. Chúng tôi sẽ tiếp tục quản lý mối quan hệ này một cách có trách nhiệm, bao gồm cả việc duy trì các đường dây liên lạc cởi mở với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, ngay cả trong thời điểm căng thẳng.”

RFA cho biết thêm, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng nhấn mạnh nước Mỹ “không có ý định, cũng như không mong đợi những nước khác ngừng hợp tác với Trung Quốc”.

Hoàng Anh – Thoibao.de (Tổng hợp)


>>> Tổng Trọng vẽ bùa, Thủ Chính bước mãi không qua

>>> Giáo dục “nổ”, khi nào “búa bổ” vào ghế Nguyễn Kim Sơn, Phùng Xuân Nhạ?

>>> Chiến dịch “tằm ăn dâu” của Tổng Trọng, đủ thâm, đủ hiểm để đe dọa Thủ Chính?

Đảo chiều chính sách ở Việt Nam dẫn đến nhiều hệ lụy về kinh tế