Ai sẽ là “thần dân” của “Đức Vua Đàm” nếu “Đức vua hụt” xưng đế thành công?

Thực tế mà nói, quan hệ giữa ca sĩ và người hâm mộ, thực chất là kẻ bán và người mua. Ca sĩ làm ra sản phẩm, bán để kiếm tiền, còn người mua thì bỏ tiền ra mua sản phẩm này để làm thức ăn tinh thần. Tuy nhiên, bởi vì sản phẩm âm nhạc có thể gây nghiện cho những người hùa theo hiệu ứng đám đông, nên vô tình đã làm cho ca sĩ vừa giàu vừa nổi.

Ngành tâm lý học có nghiên cứu về tâm lý đám đông và xác định rằng, đám đông là vô thức, họ hùa theo trào lưu một cách vô thức. Nhờ tâm lý đám đông này mà các ca sĩ trở thành sao, cho dù họ không hề cho ra sản phẩm chất lượng. Chỉ cần cho ra sản phẩm gây chú ý, hợp với nhu cầu của đám đông, tại một thời điểm, thì lập tức tạo hiệu ứng lan tỏa.

Tham vọng xưng đế trong điện ảnh, liệu có ý đồ sách động sau khi đã có “thần dân”?

Tâm lý đám đông có tính xốc nổi, nhất thời. Do đó, ai dễ dàng bị đám đông lôi cuốn đi theo, thì đó là người thiếu chính kiến. Điều này cũng thể hiện rất rõ trong lĩnh vực chính trị cũng như trong lĩnh vực giải trí. Trước đây, có ca sỹ Hàn Quốc bỗng dưng sáng tạo ra điệu nhảy Gangnam Style, điệu nhảy chẳng có gì hấp dẫn, chỉ có yếu tố là lạ mắt, nhưng nó vô tình đánh trúng vào sự hiếu kỳ của khán giả thời điểm đó, lập tức ca sĩ này nổi như cồn. Không phải chỉ nổi ở Hàn Quốc mà còn nổi ở trên bình diện thế giới. Thế rồi sau cơn sốt, điệu nhảy này được trả lại với giá trị thật của nó. Cái được lớn nhất là dành cho ca sĩ này, tên tuổi anh ta được cả thế giới biết đến. Tuy nhiên, về đẳng cấp, anh ta vẫn không thể sánh cùng với Elvis Presley, Michael Jackson hay những tên tuổi lừng danh khác.

Đấy là câu chuyện về hiệu ứng đám đông. Hiệu ứng đám đông hút người rất mạnh, tuy nhiên, đấy là thành phần không có chính kiến mới bị hút vào. Còn những người có chính kiến thì thường đứng ngoài những trò lên đồng tập thể. Người có chính kiến là biết nói lời đúng, biết trung thành với cái đúng và tránh xa những hành động vô thức của đám đông.

Đàm Vĩnh Hưng là một ca sĩ gây ra hiệu ứng đám đông khá tốt, và anh ta nổi lên từ đấy. Chất giọng anh ta lạ lẫm nhưng không có chất lượng cao, thích hợp cho đám đông dễ dãi về nhu cầu thưởng thức nghệ thuật. Chứ Đàm Vĩnh Hưng không phải là ca sĩ được khán giả khó tính đánh giá cao. Và tất nhiên, những khán giả khó tính sẽ đứng ngoài những cơn sóng phong trào do ông Đàm Vĩnh Hưng tạo ra.

Từ chỗ được đám đông vô thức tôn thờ, Đàm Vĩnh Hưng đã ngộ nhận mình là ông vua của làng nhạc Việt. Việc ông ta bỏ tiền ra để làm cho mình một bộ phim, với hình tượng bản thân ông ta xây dựng thành một vị vua, có đủ vương miện và ngai vàng hẳn hoi, đã cho thấy tham vọng của Đàm Vĩnh Hưng.

Có tham vọng mà không để lộ ra quá lộ liễu, thì không gây hại gì cho xã hội. Nhưng có tham vọng mà lại làm truyền thông rầm rộ, làm vương miện và đúc ngai vàng, thì đấy là một hành động độc hại. Nếu chính quyền không dẹp thói cuồng vọng này của ông ca sĩ vĩ cuồng, thì sau khi sản phẩm điện ảnh ra đời, nó có thể trở thành một tác nhân sách động quần chúng làm loạn. Biết đâu, khi tác động quần chúng đủ mạnh, Đàm Vĩnh Hưng làm lu mờ cả Thánh Cộng sản – Hồ Chí Minh thì sao?

Nếu nói Đảng Cộng sản lập ra Ban Tuyên giáo để nhồi sọ người dân, tạo ra một lớp người yêu Đảng yêu Bác rộng khắp Việt Nam, thì việc Đàm Vĩnh Hưng làm ra tác phẩm “Hoàng Đế – Hào Quang Rực Rỡ” cũng có mục đích tương tự, để tạo ra một lớp người u mê, thiếu chính kiến và chạy theo dắt mũi của đám đông vô thức. Thì kết quả “Đức Vua Đàm” sẽ tạo được một lượng thần dân đông đảo, có khi còn vượt qua cả thần dân của “Bác Hồ” do Đảng Cộng sản tạo ra.

Đàm Vĩnh Hưng, từ tham vọng là Hoàng đế trong lĩnh vực ca hát, nếu Cộng sản không ngăn chặn, thì có ngày ông Hoàng Đế này sách động cả giới trẻ Việt Nam làm chuyện lớn. Tại sao không thể chứ?

Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)