Thành tích của Đảng: Kinh tế tàn hơi nhưng thị trường buôn bán công lý lại phát triển.

Từ nhiều năm trước, luật sư Võ An Đôn đã từng nói sự thật về nghề luật sư mà trong đó ông là một thành viên. Đó là, hầu hết luật sư hiện nay đều là luật sư chạy án. Họ không cần phải trau dồi kiến thức về pháp luật, họ chỉ cần cấu kết với cơ quan điều tra, với toà án, với Viện Kiểm sát, tạo thành một vòng khép kín, ra giá với nguyên đơn lẫn bị đơn, để kiếm tiền chia nhau.

Lời nói thẳng của luật sư Võ An Đôn đã làm cho những luật sư chạy án bị chạm nọc, họ tấn công anh cả âm thầm lẫn công khai trên mạng xã hội. Chính quyền bị bóc phốt nên họ cũng không ưa luật sư Đôn. Cay cú trước những lời nói của luật sư Đôn, năm 2017, Đoàn Luật sư Phú Yên xóa tên luật sư Võ An Đôn khỏi Đoàn này.

Vì nói lời ngay thẳng, luật sư Võ An Đôn bị Đoàn Luật sư Phú Yên xóa tên

Bởi ngành tư pháp Việt Nam chưa bao giờ là nền tư pháp vì công lý, mà nó chỉ là công cụ của chính quyền. Ngành tư pháp Việt Nam gồm cơ quan điều tra, toà án và Viện Kiểm sát không muốn có những luật sư giỏi. Họ không muốn có luật sư chính trực hành nghề. Họ cần một tầng lớp luật sư nô bộc, ai chịu làm nô bộc thì người đó được chế độ thả cho tự do làm giàu bằng con đường chạy án.

Đã từ lâu, người dân ví von “công lý là diễn viên hài”. Người chi sai 45 triệu đồng thì bị kết án 5 năm tù, kẻ biển thủ 15 ngàn tỷ thì được hưởng án treo. Thường dân phạm tội nhẹ thì chịu án nặng, quan chức thì phạm tội nặng lại chịu án nhẹ. Có thể nói, không nơi nào trên thế giới mà phân biệt đẳng cấp nặng nề như Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ngày nay, nghề chạy án đã công khai. Ở đây không phải công khai việc trao tiền để mua án, mà công khai những kết quả xử án vô lý. Theo như chúng tôi được biết, nghề chạy án, chạy toà hiện nay trở nên phổ biến nơi nơi. Thị trường mua bán công lý sôi động hơn bao giờ hết. Luật sư, nhà báo, phóng viên, thư ký toà án lẫn công an, đều làm nghề chạy án kiếm tiền.

Giá cả của mỗi thương vụ buôn bán công lý rất vô chừng, từ thượng vàng cho đến hạ cám đều có đủ. Mỗi lần mua án, có thể từ vài tỷ đến hàng chục, hàng trăm tỷ. Cho nên, khi một vụ án được đưa ra toà, không có công lý nào thực thi, mà sự phán quyết phụ thuộc vào bên nào chi nhiều tiền hơn. Rất nhiều người chi tiền mua án vẫn bị xử thua, vì đơn giản, họ chi ít tiền hơn phía đối thủ của họ.

Ngành tư pháp là cái chợ buôn bán công lý mới có loại bản án như thế này

Cho nên, việc đúng hay sai trong một vụ án không có ý nghĩa gì với loại toà án như ở Việt Nam, mà nó phụ thuộc vào đương sự có quyền, có tiền hay không. Có quyền thì rất dễ thoát tội, có tiền cũng thoát được tội, nhưng tiền không mạnh bằng quyền.

Ngoài câu chuyện chạy án ở tòa, câu chuyện trong trại giam cũng tương tự. Tại Việt Nam, cứ vào mỗi dịp lễ tết là những cai ngục của chế độ tiến hành giao dịch. Ai muốn được lên danh sách để Chủ tịch nước ân xá thì phải chi tiền. Sau những ngày lễ tết như vậy, cai ngục lại giàu lên. Và những người có tiền sẽ có điều kiện ra tù sớm hơn.

Trái ngược với sự sôi động của thị trường mua bán công lý, thì những thị trường làm nên sức mạnh cho nền kinh tế Việt Nam hiện nay đang hụt hơi. Thị trường bất động sản thì đóng băng, thị trường chứng khoán thì nát như tương, thị trường lao động thì đầy những cuộc sa thải lớn vv… nền kinh tế Việt Nam đang xiêu vẹo. Trong khi đó, thị trường buôn bán công lý đang phát triển khá mạnh trong những năm gần đây.

Ngành tư pháp Việt Nam từ khi bắt đầu đã được sinh ra như thế, Đảng Cộng sản coi nó là công cụ, thì nó không thể vì công lý, nó chỉ biết vì quyền và vì tiền. Nền tư pháp được mọc ra từ thể chế nào, thì nó mang bản chất nó ấy, không thể cải cách được.

Thu Phương -Thoibao.de (Tổng hợp)