Triệt Trịnh Văn Quyết, Bamboo Airways thấm đòn cầu cứu Chính phủ!

Những ngày qua, hãng hàng không Bamboo Airways do ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch FLC, thành lập, đã thay đổi nhân sự liên tục, đặc biệt là hai vị trí đầu tàu của hãng là Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Tổng Giám đốc. Điều này cũng dự báo một tương lai chẳng có gì sáng sủa cho hãng bay này.

Bamboo Airways là hãng hàng không tư nhân, là công ty cổ phần. Hãng này lập ra với mục đích là vận tải hành khách, về bản chất, chẳng khác nào một công ty xe khách lữ hành, có điều là vốn lớn hơn, phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt của ngành hàng không.

Năm qua, hãng hàng không Bamboo Airways bị đòn đánh kép nện vào. Thứ nhất, đấy là tình hình kinh tế Việt Nam đi xuống thời kỳ hậu Covid-19. Cho đến nay, nền kinh tế Việt Nam không những không hồi phục, mà còn có những dấu hiệu cho thấy, ngày càng tệ hơn, với tỷ lệ tăng trưởng thấp chưa từng có. Quý 1/2023 chỉ tăng trưởng hơn 3% và quý 2 chỉ hơn 4%. Điều đáng nói là, thị trường vốn của Việt Nam trong 2 năm qua đã gặp khủng hoảng nghiêm trọng. Năm ngoái, ngân hàng cạn room tín dụng rất sớm, nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu bị đánh mạnh. Đấy là khó khăn chung của nền kinh tế, BamBoo cũng phải chịu chung số phận.

Ngoài khó khăn chung thì Bamboo Airways còn bị khó khăn riêng dành cho hãng. Đó là, người sáng lập hãng này – ông Trịnh Văn Quyết – bị bắt. Mà điều đáng nói là ông Quyết bị bắt vì tội thao túng thị trường chứng khoán. Chính vì lẽ đó, những doanh nghiệp trong hệ sinh thái của FLC bị siết mạnh trên thị trường vốn. Hậu Covid, Bamboo Airways cũng như nhiều doanh nghiệp khác cần cấp vốn để hồi phục, nhưng lại bị siết, nên không sớm thì muộn, hãng bay này cũng rơi vào khủng hoảng.

Đơn kêu cứu của Bamboo Airways được đăng trên trang facebook Thanh Hiếu Bùi

Vấn đề vốn là vấn đề lớn nhất hiện nay của bất kỳ một doanh nghiệp nào. Hầu hết các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam lạm dụng đòn bẩy tài chính quá nhiều. Đòn bẩy tài chính như là con dao hai lưỡi, nếu kinh doanh thuận lợi thì doanh nghiệp nhanh lớn mạnh, còn nếu kinh doanh không thuận lợi, thì chính doanh nghiệp bị chính đòn bẩy này quật. VinGroup hiện nay sử dụng vốn vay gấp gần 3 lần vốn chủ sở hữu. Đấy là doanh nghiệp đang dùng đòn bẩy tài chính lớn. Ngoài ra, còn có nhiều doanh nghiệp dùng đòn bẩy lớn hơn, có doanh nghiệp dùng vốn vay gấp từ 8 đến 10 lần vốn chủ sở hữu, như các công ty con của Tân Hoàng Minh.

Bamboo Airways hậu Trịnh Văn Quyết bị sang tên đổi chủ, nhằm mục đích dựa vào chủ nhân mới để cứu lấy doanh nghiệp. Tuy nhiên, với gốc gác từng là công ty con của FLC, thì dù đổi chủ, con đường gọi vốn cho Bamboo Airways vẫn bị bít, bởi cơ quan điều tra đang soi rất kỹ lịch sử dòng tiền của doanh nghiệp này. Vậy là doanh nghiệp này chẳng ai cứu nổi.

Mới đây, trên trang facebook của Thanh Hiếu Bùi có đưa lên lá đơn cầu cứu của Bamboo Airways với Thủ tướng Chính phủ, để xin bảo lãnh phá sản. Thực tế, Bamboo Airways là công ty tư nhân, không phải là con đẻ của Chính phủ, nên khó mà được Thủ tướng ra tay cứu vớt. Nếu Vietnam Airlines mà rơi vào trường hợp tương tự, thì sẽ có khả năng được cứu cao hơn.

Nền kinh tế hậu Covid là nền kinh tế què quặt, khó tìm được nhà đầu tư mới có đủ năng lực tài chính, để cứu vớt hãng bay này, bởi tình hình kinh tế chung là khó khăn. Có người nhận xét rằng, nhìn bề ngoài thì trông như vẫn còn khỏe mạnh, nhưng những doanh nghiệp lớn Việt Nam “đột quỵ” lúc nào không hay. Bởi hầu hết, các doanh nghiệp đều tạo ra vẻ bề ngoài, để che giấu sự mục rỗng bên trong.

Chuyện đánh Trịnh Văn Quyết là câu chuyện “xẻ thịt” FLC và các doanh nghiệp vệ tinh. Một khi thế lực chính trị mà quyết hạ, thì các nhà đầu tư cũng nên tháo chạy, đừng đổ tiền vào cứu một con tàu sắp chìm như Bamboo Airways. Không khéo lại mất “cả chì lẫn chài”. Có lẽ, Bamboo Airways hết đường cứu thực sự.

Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)

 

 

 

 

Kasse animation 7.8.2023