Ngày 29/7/2023, tờ báo Tuổi Trẻ có bài viết “Chuyến công du hiển dương vị thế Việt Nam”. Đây là một bài viết ca tụng quen thuộc của Ban Tuyên giáo. Bất cứ việc gì, dù là thành công hay thất bại, thì họ cũng ca tụng là “thành công rực rỡ”. Dù là vinh vang hay nhục nhã, thì họ vẫn cứ tung hô là “vẻ vang”. Họ làm thế là để khẳng định giá trị ảo của Đảng trong lòng dân. Từ 78 năm qua, Tuyên giáo vẫn luôn làm như thế.
Báo Tuổi Trẻ dùng từ “hiển dương”, một từ Hán Việt rất hiếm khi sử dụng trong ngôn ngữ tiếng Việt hiện nay. Tra Từ điển tiếng Việt online, thì “hiển dương” có nghĩa là vẻ vang, rạng rỡ. Không hiểu tại sao, Cộng sản vốn hay dùng từ thuần Việt, nay lại dùng từ Hán Việt hiếm gặp như thế?
Cộng sản thường hô hào dùng từ thuần Việt, loại bỏ từ Hán Việt. Chẳng hạn, trước năm 1975, người ta dùng từ Hán Việt là “phi trường”, thì Cộng sản lại dùng từ “sân bay”; trước 1975, người ta dùng từ “thủy quân lục chiến”, thì Cộng sản dùng từ “lính thủy đánh bộ” vv… Nhưng trong bài báo này, vì sao họ lại dùng từ Hán Việt?
Giả sử dùng từ thuần Việt, thì tựa đề bài báo sẽ là “Chuyến công du làm vẻ vang vị thế Việt Nam”, thì nghe không thuận tai cho lắm. Bởi ai cũng biết, ông Chủ tịch nước sang Áo để ăn mày kia mà? Ông Thưởng đã yêu cầu Chính phủ Áo cấp vốn ODA cho Việt Nam.
Ở một bài trước, chúng tôi đã phân tích, bản chất của việc xin vốn ODA là “ăn mày”, bởi loại cho vay vốn ODA là vừa cho vay và vừa cho (trên danh nghĩa là như thế). Hầu hết các gói vay ODA có lãi suất 0%, thậm chí có gói, chủ nợ còn trích một phần trong đó để “tài trợ không hoàn lại”. Nước nào đi vay ODA thì đều được xem là quốc gia nghèo, đi xin ăn mà thôi.
Đi sang xứ người ta, ngửa tay xin tài trợ vốn ODA, là một nỗi nhục, nỗi nhục của nước nghèo. Tại sao người ta cũng là chính quyền của một quốc gia, mà người ta xây dựng đất nước giàu mạnh. Còn mình cũng là chính quyền quốc gia, hơn nữa còn tự cho là, chỉ có mình mới đủ tư cách lãnh đạo đất nước, mà sao lại để cho đất nước mãi nghèo như vậy? Nếu ông Võ Văn Thưởng là người có tự trọng, thì ắt cũng cảm thấy nhục nhã khi ngửa tay xin người ta cho vay ưu đãi.
Quan hệ quốc tế là điều cần thiết cho Việt Nam phát triển. Tuy nhiên, trong sân chơi này, nếu ai biết tận dụng luật chơi thì sẽ thắng, còn không thì mãi mãi là kẻ chầu rìa.
Việt Nam là một trong số ít nước có hiệp định tự do thương mại với EU, đó là EVFTA. EVFTA được xem là tấm giấy thông hành để hàng Việt Nam vào Âu châu. Tuy nhiên, khi đã ký Hiệp định, thì cũng cần hiểu rõ luật chơi. Đấy là, Âu châu có những hàng rào khác rất khó vượt qua, một là hàng rào chất lượng, hai là hàng rào về quyền con người, thông qua những cam kết về lao động và công đoàn.
Hàng vào EU đòi hỏi tiêu chuẩn rất cao và kiểm tra nghiêm ngặt. Hàng Việt Nam muốn vượt qua cũng không dễ dàng gì. Thế nên, ngoài việc ký được EVFTA, thì chính quyền Cộng sản cần nâng cao chất lượng hàng Việt, đặc biệt là “xanh hóa” quá trình sản xuất.
Cuối năm ngoái, Việt Nam đã đạt thỏa thuận Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Công bằng (JETP), trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN – EU tại Brussels, Bỉ. Trong đó, Anh là một thành viên trong Nhóm đối tác quốc tế (IPG), gồm Liên minh châu Âu (EU), Pháp, Đức, Mỹ, Ý, Canada, Nhật Bản, Na Uy và Đan Mạch, thỏa thuận sẽ hỗ trợ Việt Nam 15,5 tỷ đô la Mỹ, để Việt Nam chuyển đổi xanh.
Tưởng dễ ăn nhưng không dễ. Nếu Việt Nam chuyển đổi xanh đạt yêu cầu, thì sẽ có được 15,5 tỷ đô và hàng hóa được đón nhận tại Âu châu. Tuy nhiên, nếu chuyển đổi xanh thất bại, thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị mất thị trường. Trong khi đó, EU là thị trường xuất khẩu quan trọng thứ nhì đối với Việt Nam, sau Mỹ.
Theo một số nhà phân tích đánh giá, những nước mà mãi đi ăn mày thì rất khó chuyển đổi xanh. Bởi quá trình này chỉ có những chính quyền tương đối sạch và có năng lực mới thực hiện được. Còn Đảng Cộng sản Việt Nam, thì không ai tin họ làm được.
Thu Phương – (Tổng hợp)
Link tham khảo:
https://thanhnien.vn/chuyen-cong-du-hien-duong-vi-the-viet-nam-18523072919495959.htm