Link Video: https://youtu.be/xk3frePmiKU
Ngày 1/8, trên Facebook cá nhân của Tiến sĩ Chu Mộng Long có bài “Bố nào cũng nói “phạm tội lần đầu”, chỉ có chó mới tin”.
Tác giả dẫn câu ca dao: “Cái cò mày đi ăn đêm/ Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao”. Và cho rằng, câu này có hàm ý, cái cò ấy phải “ăn đêm” nhiều lần, mới rơi vào cạm bẫy.
Tác giả phân tích, “cành mềm” là một thứ bẫy dân quê thường dùng để bắt cò. “Ông” bắt cò đồng thời là tòa xử cò, còn “cái cò” là bị cáo. Cũng không ngẫu nhiên mà cái cò kêu than: “Ông ơi ông vớt tôi nao/ Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng/ Có xáo thì xáo nước trong/ Đừng xáo nước đục đau lòng cò con”.
Cái “lòng nào” ấy là thứ “cò” vừa đớp và táp vào bụng, ông tòa muốn “cò” “khắc phục hậu quả”, thì “cò” hiến cả bộ lòng. Còn những thứ mà “cò” từng đớp và táp trước đó, còn cất giấu trong nhà hay đã biến thành nhà đất, ông hãy bỏ qua, đừng truy cứu. Cái nghĩa “xáo nước trong” là hãy xử cho “cò” “mắc tội lần đầu”, còn trước đó, coi như “cò” lương thiện, trong veo. Nếu truy cứu, tịch biên hết gia sản, thì coi như “xáo nước đục” vào cả đời “cò” và nhục lây đến con cháu. Cái nghĩa “hy sinh đời bố, củng cố đời con” là vậy!
Tác giả bật cười khi một số bị can trong vụ chuyến bay giải cứu đã xin tòa giảm án, lại còn xin trả lại một phần gia sản đã kê biên.
Sự thực, tác giả nhấn mạnh, vụ án không có án tử hình nào, tức là không ai bị “xáo măng”, dù Luật Hình sự quy định, chỉ nhận hối lộ trên một tỷ đồng, gây thiệt hại trên 5 tỉ đồng, thì đã ở mức án chung thân hoặc tử hình. Có nghĩa là, “cái cò” chỉ vào lồng nghỉ mát rồi ra khỏi lồng, hưởng thụ hàng trăm tỉ phần gia sản mà anh ta “ăn đêm” vô số lần? Kết cục, bố chẳng cần hy sinh gì, ăn ba đời con cháu nhà “cò” vẫn chưa hết của.
Tác giả khẳng định, các bố chỉ có thể “ăn đêm” nhiều lần thành thói quen tự động, thì mới dám đớp và táp luôn trong lúc đất nước dịch bệnh, nhân dân khốn khổ. Nói “phạm tội lần đầu” chỉ có chó mới tin!
Tác giả biết, tòa “bên ngoài là lý, bên trong là tình”, tình giai cấp, tình đồng chí, ngôn ngữ cửa miệng là “tính nhân văn”, khó kê biên và tịch thu hết tài sản của bị can. Nếu chỉ thuần lý, tức cứ “mặt sắt đen sì” như Bao Công mà xử, thì không khó.
Tác giả nêu 4 luận điểm để bảo vệ quan điểm của mình:
- Bố nào nói “phạm tội lần đầu” thì hãy trả lời, số tiền, vàng mà các bố sở hữu lớn hơn so với số tiền vừa nhận hối lộ và đã “khắc phục hậu quả”, có nguồn gốc từ đâu?
- Nếu các bố cho đó là số tiền thu nhập chính đáng từ lương, bổng, thì thử đối chiếu với bản kê khai tài sản hàng năm để vấn tội.
- Nếu các bố cho đó là tiền buôn chổi đót, chạy xe ôm, nuôi heo thối móng tay, thì trong toàn bộ thời gian đương chức, các bố chỉ có thể đã bỏ giờ hành chính để làm việc riêng. Bỏ giờ hành chính cũng đã là tham nhũng giờ giấc. Bất luận là làm nghề gì, với thu nhập cao như vậy, ắt còn bị truy thuế thu nhập và mắc thêm tội trốn thuế.
- Nếu các bố cho đó là tiền, vàng thừa kế của cha mẹ ông bà, thì truy luôn tội khai man lý lịch. Bởi lý lịch của các bố không phải địa chủ hay tư sản, mà phải là ba đời ở đợ hay bần cố nông, thì mới được kết nạp Đảng, mới được vào ngành công an hay ngồi các ghế trọng yếu.
Tác giả cho biết, ông chỉ là viên chức quèn mà hàng năm đều phải kê khai tài sản đến mệt mỏi. Lẽ nào, bản kê khai mất thời gian và loạn não ấy không phát huy tác dụng? Kê khai tài sản chỉ để hành các viên chức trong sạch thôi sao, trong khi, những vụ án này là cơ hội để biến bản kê khai tài sản hàng năm thành căn cứ buộc tội đám “cò ăn đêm” trong hệ thống công quyền.
Thu Phương
>>> Võ Kim Cự vận động thành lập hiệp hội sâm.
>>> Vụ chuyến bay giải cứu: Nuôi án và chạy án trong ngành công an.
>>> Vụ “chuyến bay giải cứu”: Người dân nên tập hợp lại để yêu cầu bồi thường
>>> Bắc thang lên hỏi ông trời, đút tiền quan chức có đòi được không?
Giá đừng có những người quá tham lam