Qua nhiều nguồn tin, cả nguồn tin công khai ra bên ngoài mà bàn dân thiên hạ ai cũng biết, và qua cả nguồn tin từ bên trong, do những người làm việc trong bộ máy chính quyền tuồn ra, thì hình ảnh một nền tư pháp vận hành bằng tiền và bằng ý chí của kẻ có quyền hiện ra. Chỉ có ở Việt Nam mới có loại bản án bỏ túi, tức là loại án đã kết tội trước khi xét xử, do chính ý chí của kẻ có quyền bên trên ra lệnh. Bất chấp nhân chứng, vật chứng, bất chấp lập luận của luật sư có thuyết phục cỡ nào, thì bản án vẫn tuyên theo mệnh lệnh được ban ra trước đó.
Từ vụ án chuyến bay giải cứu, thì người bên trong cho biết, vụ án bị thao túng bởi những đồng tiền chạy án từ những kẻ đã hút máu dân trước đó. Đấy là sự thật về nền tư pháp được gọi là tư pháp Xã hội Chủ nghĩa. Nó què quặt như thế đấy.
Được biết, ngày 4/8, tử tù Nguyễn Văn Chưởng bị đưa đi thi hành án tử hình. Vụ án này được xem là một vụ tương tự như Hồ Duy Hải. Kết luận gây tranh cãi của vụ án đã kéo dài hơn 8 năm, đến nay đều chỉ ra những điều kỳ quặc của việc suy luận, cũng như những phát ngôn của Công an Điều tra Hải Phòng, thể hiện quyết tâm kết tội tử hình cho bằng được, một thanh niên đã từng viết lá thư kêu oan bằng máu của mình.
Theo Luật sư Hoàng Văn Quánh (Ðoàn luật sư TP Hà Nội), người bảo vệ cho Nguyễn Văn Chưởng ở phiên phúc thẩm, cho biết tại tòa, cả hai anh em Chưởng khai bị đánh đập nên phải nhận tội. Các bản cung khai phía dưới chữ ký, Chưởng đều viết chữ “EC” (tức bị ép cung).
Hồ sơ vụ án có một số tài liệu bị mất, biên bản xác định thương tích trên người bị cáo Chưởng, khi Chưởng về trại tạm giam Trần Phú, do giám thị trại giam lập, có y sĩ trại giam chứng kiến, nhưng không có trong hồ sơ.
Khi bị bắt, Chưởng bị tịch thu điện thoại. Bị cáo và luật sư đề nghị cơ quan điều tra khôi phục cuộc gọi và xác định xem Chưởng có mặt tại Hải Phòng vào tối ngày xảy ra vụ án hay không, nhưng yêu cầu này cũng không được thực hiện.
Ðôi dép, khẩu trang màu xanh và thanh đoản kiếm thu giữ tại hiện trường, thì Cơ quan Điều tra không làm rõ là của ai. Quần dài và áo lót của nạn nhân là tang vật thu giữ, sau đó bị hủy mà không hiểu vì lý do gì.
Quá trình tham gia vụ án, ngay từ giai đoạn điều tra, các luật sư đã bị Công an TP Hải Phòng gây khó dễ, kéo dài thời gian cấp giấy chứng nhận bào chữa, không cho tiếp xúc với bị can… Họ phải gửi đơn kiến nghị đến Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Phó Thủ tướng Chính phủ.
Đấy là những dấu hiệu bất thường cho thấy, phía chính quyền không tuân thủ đúng quy trình tố tụng hình sự. Sự yếu kém và cả những dụng ý bất minh đã khiến cho cơ quan tố tụng thọc tay vào, bóp méo kết quả điều tra, ngăn cản những người đi tìm sự thật cho bị cáo. Ở khía cạnh này, vụ án Nguyễn Văn Chưởng không khác gì vụ án Hồ Duy Hải.
Cách vận hành dựa vào quyền lực và tiền bạc của bộ máy tư pháp ngày một trắng trợn. Hầu như, không có hy vọng gì về một sự công bằng trong xét xử và điều tra. Hồ Duy Hải và Nguyễn Văn Chưởng là 2 nạn nhân được xã hội biết đến. Chắc chắn, bản chất của nền tư pháp như vậy, thì nạn nhân không chỉ là Hồ Duy Hải và Nguyễn Văn Chưởng, mà còn nhiều người khác bị phải chịu oan ức.
Một nền tư pháp độc lập thì sẽ hạn chế tối đa oan sai và mang lại công bằng, còn nền tư pháp mệnh lệnh và duy ý chí như tư pháp Xã hội Chủ nghĩa này, thì vô cùng nguy hiểm. Người vô tội bị hàm oan, còn kẻ gây tội ác lại nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Điều nguy hiểm hơn nữa là, loại tư pháp này không chịu cải cách, mặc dù luôn hô hào phải “cải cách tư pháp”. Bởi muốn cải cách thì phải độc lập tư pháp, phải loại đồng tiền và quyền lực ra khỏi tòa án. Làm như vậy thì chả nhẽ quan chức “cạp đất mà ăn” sao? Cho nên, tư pháp Cộng sản mãi mãi là như thế, không tốt hơn được.
Thu Phương – (Tổng hợp)
Link tham khảo:
https://tuoitre.vn/them-mot-tu-tu-keu-oan-689115.htm