Buổi tường trình về đàn áp xuyên quốc gia

Ảnh: Các nhà báo, nhà hoạt động và thông dịch viên… tại Quốc hội Liên bang Đức hôm 19.10.2023.

Theo sáng kiến ​​của Nghị sĩ Roderich Kiesewetter (đảng CDU), sáng ngày 19/10 tại Quốc hội Liên bang Đức ở Berlin, tổ chức “Phóng viên không biên giới” và tổ chức Axel Springer Freedom Foundation (Quỹ Tự do của Axel Springer) đã tổ chức buổi tường trình về đàn áp xuyên quốc gia: trấn áp những tiếng nói đối lập sống lưu vong ở nước ngoài.

Năm nhà hoạt động và nhà báo người Trung Quốc, Ai Cập, Thổ Nhỉ Kỳ và Việt Nam được mời đến tường trình về trường hợp của mình, mặc dù đang sống lưu vong ở nước ngoài nhưng vẫn bị đàn áp từ nhà cầm quyền trong nước.

Tất cả các đảng có chân trong Quốc hội Liên bang Đức (ngoại trừ đảng AfD) đều cử các nghị sĩ đại diện đến tham dự và tìm hiểu về vấn đề này.

Trong lời khai mạc, nghị sĩ Quốc hội Liên bang Đức Roderich Kiesewetter, người đề xuất ra buổi tổ chức này, nói rằng, vấn đề đàn áp xuyên quốc gia không nhận được đủ sự quan tâm ở Đức và EU, vì vậy ông muốn nâng cao nhận thức của các nghị sĩ Quốc hội Liên bang Đức. Nước Đức cần giữ vai trò tiên phong và chủ động trên bình diện EU về vấn đề này.

Ông Kiesewetter nhấn mạnh, đàn áp xuyên quốc gia là một sự tấn công vào chủ quyền nước Đức và chống lại xã hội dân sự cũng như lòng dũng cảm của nó.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để nhà nước Đức có thể trở nên kiên cường chống lại sự đàn áp xuyên quốc gia, và làm thế nào để buộc tội những kẻ đàn áp xuyên quốc gia.

Ông Kiesewetter cũng cho biết, vấn đề đàn áp xuyên quốc gia được đề cập trong thỏa thuận giữa các đảng liên minh cầm quyền nước Đức, nhưng cho đến nay vẫn chưa có một chiến lược toàn diện.

Đại diện tổ chức Freedom House, bà Annie Wilcox Boyajian (Phó chủ tịch chính sách và vận động tại Freedom House) phát biểu rằng đàn áp xuyên quốc gia là tấn công những người bất đồng chính kiến ​​ở nước ngoài, có thể trực tiếp hoặc gián tiếp. Nó không phải là một hiện tượng mới, nhưng đang gia tăng do:
1. toàn cầu hóa,
2. chủ nghĩa độc tài gia tăng và do đó số người đào thoát sống lưu vong cũng tăng,
3. số hóa (có thể xảy ra các cuộc tấn công qua mạng xã hội hoặc sử dụng phần mềm gián điệp).

Năm nhà hoạt động và nhà báo, trong đó có nhà báo Lê Trung Khoa, đã tường trình về trường hợp của mình, cũng như nêu ra những kiến nghị với Quốc hội Liên bang Đức về vấn đề đàn áp xuyên quốc gia.

Một trong những kiến nghị của nhà báo Lê Trung Khoa, ông đề nghị Quốc hội Liên bang Đức tổ chức một buổi điều trần về vấn đề này, trong đó Facebook và YouTube cũng như những người bị ảnh hưởng đều được mời tham dự. Đề nghị này đã nhận được sự quan tâm của nhiều nghị sĩ.

Ngoài Lê Trung Khoa, các nhà báo và nhà hoạt động từ Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập cũng nói về sự đàn áp của các cơ quan mật vụ và các băng nhóm tội phạm xuất phát từ quê hương của họ (cánh tay nối dài của nhà cầm quyền). Họ đề nghị rằng nước Đức nên giám sát kỹ hơn các hoạt động của các cơ quan mật vụ nước ngoài ở Đức và bảo vệ tốt hơn các nạn nhân.

Lê Trung Khoa đề nghị rằng các nhà ngoại giao Đức nên cảnh báo về những trường hợp cụ thể đàn áp xuyên quốc gia trong các cuộc thảo luận với những đại diện chính trị của các chế độ chuyên chế.

Nghị sĩ Quốc hội Liên bang Đức Roderich Kiesewetter (đảng CDU)

Hiếu Bá Linh (Biên dịch) 

 

Kasse animation 7.8.2023