Theo kế hoạch, sau Hội nghị Trung ương 8 khóa 13, Quốc hội khóa 15 sẽ tiến hành thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm, đối với các chức danh lãnh đạo do Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Báo Tuổi Trẻ cho biết, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội dự kiến sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn, ngay trong ngày khai mạc vào ngày 23/10 tới đây.
Giới quan sát cho rằng, rất có thể, sắp tới, chính trường Việt Nam sẽ xảy ra các biến động nhân sự ở cấp thượng tầng chính trị, sau kết quả của cái gọi là “lấy phiếu tín nhiệm”.
Việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ được tiến hành sau khi có kết quả thảo luận tại các đoàn đại biểu. Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín, và kết quả sẽ được công bố vào chiều ngày 24/10.
Theo quy định hiện hành, những chức danh được Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp tới đây, trong đó có 2 chức danh thuộc “Tứ trụ”, bao gồm: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng Phạm Minh Chính. Trường hợp Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và 4 nhân vật mới được Quốc hội thông qua, vì nắm giữ chức vụ chưa đến nửa năm, nên không thuộc diện bỏ phiếu tín nhiệm trong kỳ họp lần này.
Dư luận đánh giá, kết quả lấy phiếu tín nhiệm rất quan trọng đối với việc ở hay đi của các lãnh đạo này. Điều quan trọng là, các nhân vật đó có được tiếp tục xem xét để đưa vào danh sách nhân sự lãnh đạo chủ chốt của Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 14 tới đây hay không.
Đó là lý do, giới quan sát đã bày tỏ những ý kiến nghi ngại rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ trở thành vũ khí của các phe cánh trong nội bộ Đảng. Thậm chí, có những đồn đoán cho rằng, kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại Hội nghị Trung ương 7 khóa 13 (vào tháng 5 năm 2023), đã bị đánh tráo.
Báo Thanh Niên ngày 17/10 đưa tin với tiêu đề, “Phó ban Dân vận Trung ương: “Mong Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm thực chất”’. Theo đó, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 17/10, góp ý cho việc chuẩn bị kỳ họp 6 Quốc hội khóa 15 sắp khai mạc, Phó trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Tuấn Quang nói: “… nhân dân rất quan tâm tới việc lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp 6 Quốc hội tới đây, và mong rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm cần thực chất, đảm bảo kết quả.”
Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến về công tác tổ chức xây dựng Đảng, diễn ra ngày 17/2, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cũng đã đưa ra nhận định rằng, “… việc lấy phiếu tín nhiệm có biểu hiện lợi ích nhóm, một số cán bộ đạt phiếu tín nhiệm cao nhưng sau đó lại vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước”.
Lâu nay, công luận vẫn hoài nghi việc lấy phiếu tín nhiệm là cái cớ để các phe nhóm quyền lực trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam dùng để triệt hạ lẫn nhau.
Những điều vừa kể, cùng với ý kiến của Phó trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Tuấn Quang cho thấy, có khả năng cao, phải chăng phát biểu này có liên quan đến kết quả lấy phiếu tín nhiệm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị Trung ương 7. Vì tại thời điểm đó, nếu Thủ tướng Phạm Minh Chính không đạt tỷ lệ phiếu “tín nhiệm cao”, thì khả năng cao, ông Chính khó có thể trụ lại trên chiếc ghế Thủ tướng.
Trước Hội nghị Trung ương 7 khóa 13, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần bóng gió nhắc đến vụ án của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty AIC, một người được cho là “em gái mưa” của Thủ tướng Chính. Ông Trọng khi đó từng đay nghiến, “trốn cũng không trốn được đâu, bà con cứ chờ mà xem”.
Song, không hiểu vì lý do gì, Thủ tướng Chính đã bất ngờ vượt qua, trong kỳ bỏ phiếu tín nhiệm của các Ủy viên Trung ương tại Hội nghị Trung ương 7 khóa 13.
Trà My – Thoibao.de