Trăm năm trồng người theo lời Bác, nay giáo dục hoá phù thuỷ!

 

Có lẽ, nên phong cho Việt Nam là “cường quốc khẩu hiệu”. Bản chất của nhà nước mị dân nào trên thế giới cũng thế, đều sáng tác ra rất nhiều khẩu hiệu, và cuối cùng, ngu dân hóa để biến khẩu hiệu đấy thành lòng tin của dân.

Không một nhà nước tử tế nào trên thế giới mà lại chỉ chăm chăm sáng tác khẩu hiệu. Nhà nước tử tế chỉ chú tâm đến cách làm chính sách, làm sao cho đạt được hiệu quả có lợi nhất cho dân, cho nước. Cứ như thế, quốc gia phát triển, đất nước phồn vinh, xã hội phát triển.

Ngược lại, nhà nước Cộng sản nào cũng núp bóng lãnh tụ để trục lợi. Ông Hồ Chí Minh chết, Đảng cho xây lăng để thờ. Mao Trạch Đông bên Trung Quốc, Lê Nin bên Nga, và Kim Nhật Thành bên xứ Triều Tiên cũng tương tự. Xác của các vị lãnh tụ này được nằm trong lăng, những câu nói của họ thì được suy tôn lên thành khuôn vàng thước ngọc, mặc dù chúng rất tầm thường.

Câu nói dù hay cỡ nào cũng trở thì vô giá trị, nếu nó không được hiện thực hóa.

Ví dụ câu “Vì lợi ích mười năm, trồng cây; Vì lợi ích trăm năm, trồng người” của ông Hồ Chí Minh, đã được Đảng Cộng sản cho “đóng khung, lồng kính”, và được xem là lời dạy giá trị. Tuy nhiên, thực tế ngành giáo dục Xã hội Chủ nghĩa đã trồng người như thế nào, thì đến nay không cần phải tranh cãi nữa, vì nó đã quá nát. Ngành giáo dục Việt Nam không phải lạc hậu, mà là lạc lối. Lạc hậu thì còn có thể thay đổi, để chạy theo thế giới, còn lạc lối thì làm sao theo kịp thế giới?

Chế độ này tồn tại dựa trên sự dối trá, dựa vào lớp mặt nạ, chứ không dựa vào thực chất. Đảng không tốt, Đảng rất tồi, vì đã làm cho đất nước nghèo nàn lạc hậu. Đảng đã cướp mất tự do của người dân, và Đảng đã chà đạp lên những quyền cơ bản nhất mà con người phải có. Vì bản thân không tốt, nên Đảng mới cần một bộ máy tuyên truyền khổng lồ, để sơn phết lên cơ thể mình màu sắc lòe loẹt. Đảng sống nhờ mặt nạ, Đảng tạo lòng tin với dân cũng bằng lớp mặt nạ giả tạo, chứ không bằng thực chất.

Một khi Đảng đã như thế, thì nền giáo dục do Đảng tạo ra cũng dựa vào những giá trị ảo như thế. Nền giáo dục này đầy rẫy tình trạng mua bằng, mua điểm, tạo thành tích ảo, còn thực lực thì vẫn trống rỗng.

Chiều ngày 5/11, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo Giáo dục 2023, do Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, phối hợp với Bộ Giáo dục – Đào tạo và Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức. Tại hội thảo này, ông Dương Xuân Phượng, Phó Giám đốc Học viện Viettel cho biết, “Trong 2.000 sinh viên tốt nghiệp giỏi và xuất sắc, nhưng chỉ 100 em thực chất”. Nghĩa là, nền giáo dục này ngụy tạo ra 95% những sinh viên giỏi.

Việc các trường chạy đua theo thành tích là căn bệnh nan y, diễn ra trong tất cả các cấp. Việc các trường phù phép cho 95% sinh viên tốt nghiệp biến thành loại giỏi, là cách tạo ra mặt nạ, mà đã là mặt nạ thì trước sau gì nó cũng bị rơi. Việc này không những tổn hại đến thanh danh của trường, mà còn tổn hại đến những sinh viên giỏi thực sự. Những người giỏi thực sự bị coi thường, và chính điều này khiến các trường cũng làm mất đi cơ hội của những người giỏi thực sự.

Mới đây, cộng đồng mạng xôn xao về việc một Phó Giáo sư bán bài báo khoa học của mình cho các trường. Ông bị chỉ trích là “thiếu liêm chính khoa học”, nhưng ở góc cạnh khác, nhiều người cũng thông cảm với ông, vì nền giáo dục Việt Nam phát lương cho ông không đủ sống. Vả lại, ông chỉ bán chất xám kiếm tiền, chứ không tiếp tay cho những kẻ mua bằng.

Vấn đề ở đây là lỗi của một hệ thống giáo dục, đã đến hồi bất trị. Lỗi “không liêm chính khoa học” là lỗi nhỏ, lỗi lớn thuộc về các trường đặt mua bài báo khoa học của ông, để nâng xếp hạng trường, lỗi lớn hơn nữa thuộc về các cấp quản lý và kiểm định giáo dục. Nói chính xác là lỗi thuộc về Bộ Giáo dục.

Nền giáo dục xây dựng hình ảnh bằng mặt nạ, nay đã không còn thuốc chữa.

Kết quả của trăm năm trồng người, làm theo lời Bác của Đảng Cộng sản, đến giờ, trường học biến thành phù thủy, chuyên phù phép thành tích để tạo ra lớp mặt nạ giả tạo.

Ý Nhi – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023