EVN và Bộ Công thương mục rỗng, Tổng vớt tép riu thả cá gộc!

Từ khi Bộ Công thương được thành lập, từ việc hợp nhất Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại cho đến nay, chỉ trải qua 3 đời Bộ trưởng. Chủ trương hợp nhất này được ông Nguyễn Tấn Dũng đề xuất vào năm 2007 và giữ tên từ đó cho đến nay. Theo nhận xét của một số người thạo tin, thì ông Nguyễn Tấn Dũng cho hợp nhất 2 bộ này là để quy về một mối. Nơi đây nắm rất nhiều doanh nghiệp lớn của nhà nước. Đây là bước đệm để ông Dũng lập ra các đại doanh nghiệp và các tập đoàn nhà nước, với tham vọng sẽ tạo thành các Chaebol như Hàn Quốc. Tuy nhiên, chẳng có Chaebol nào được lập nên cả, mà chỉ có các ổ tham nhũng lớn, sau đó đổ bể làm tan nát nền kinh tế.

Bắt đầu từ Bộ trưởng đầu tiên là ông Vũ Huy Hoàng, kế đến là ông Trần Tuấn Anh, và hiện nay là ông Nguyễn Hồng Diên, không ông nào được đánh giá là có năng lực. Cho đến nay, chỉ mới có ông Vũ Huy Hoàng là bị truy tố, còn ông Trần Tuấn Anh thì vẫn an toàn ở ghế Trưởng ban Kinh tế Trung ương, và ông Nguyễn Hồng Diên thì hiện nay đang điều hành Bộ Công thương một cách tệ hại.

Hậu “những quả đấm thép” là việc tái cơ cấu 12 tổng công ty và tập đoàn nhà nước, dù vậy, cho tới nay, những doanh nghiệp này vẫn tiếp tục thua lỗ.

Nếu chỉ nhìn bề ngoài, sự thua lỗ của các tập đoàn nhà nước là do sự yếu kém trong quản lý của chính quyền Cộng sản, điều đó đúng nhưng chưa đủ. Điều nguy hiểm hơn là những mưu đồ bên trong những kết quả làm ăn thua lỗ đó.

Được biết, làm ăn thua lỗ như là một cách để doanh nghiệp nhà nước “làm mình làm mẩy đòi cơ chế”. Tuy nhiên, sau khi cơ chế được ban ra, thì kết quả làm ăn của doanh nghiệp vẫn không khá hơn, bởi những thuận lợi từ cơ chế đã được nắn dòng, chảy vào túi quan chức. Và kết quả là, doanh nghiệp lại tiếp tục than lỗ tiếp để đòi cơ chế.

Thói đòi hỏi như con nghiện này là một hành vi phá hoại nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, vì quyền lợi liên quan, nên từ nhà nước cho đến doanh nghiệp tạo thành một hệ thống bao che lẫn nhau.

Điển hình cho trò làm ăn thua lỗ để đòi chính sách là EVN. Đây là doanh nghiệp trực thuộc Bộ Công thương và đang là một cản lực lớn cho Việt Nam chuyển đổi xanh.

Việc chậm chuyển đổi xanh là bởi lợi ích nhóm lấn át lợi ích quốc gia. Lợi ích nhóm giữa EVN và nhiệt điện than đang cộng sinh bao lâu nay, và hiện giờ vẫn đang duy trì tốt. Bất kỳ ai có ý đồ bóc phốt EVN, thì cũng bị Bộ Công an cho bắt giam vào tù. Vụ bắt bà Ngô Thị Tố Nhiên mới đây là một ví dụ.

Việc làm này của EVN đã làm cho nền kinh tế Việt Nam mất đi cơ hội lớn. Bởi những thị trường lớn như Mỹ – EU và Nhật Bản, càng về sau sẽ càng có những đòi hỏi rất nghiêm ngặt về tiêu chuẩn xanh. Khi tiêu chuẩn được nâng hạng, thì lúc đó, hàng hóa Việt Nam sẽ bị đào thải ngày càng nhiều. Hiện nay, hậu quả đã xuất hiện, minh chứng rõ nét nhất là ngành dệt may.

Mới đây, hãng chip Intel của Mỹ cho biết, họ không đầu tư mở rộng vào Việt Nam, vì nguồn điện không ổn định. Đây là một mất mát lớn đối với nền kinh tế Việt Nam. Một cơ hội vô cùng lớn để tiếp cận với công nghệ bán dẫn của Mỹ, tuy nhiên, Việt Nam đã để vuột mất.

Hiện nay, ông Tô Lâm đang cho bắt giữ nhiều nhân vật ở EVN và Bộ Công thương. Tuy nhiên, đó chỉ là những nhân vật tép riu, chứ không phải là cá gộc.

Dương Quang Thành – cựu Chủ tịch EVN – còn đó; Trần Tuấn Anh – cựu Bộ trưởng Bộ Công thương – cũng vẫn còn đó.

Mà cho dù có bắt cá gộc, nhưng không cải tổ hệ thống, vẫn duy trì bộ máy đấy, vẫn cơ chế đấy, thậm chí vẫn những nhóm lợi ích đấy, thì ông Tổng không làm gì để khiến cho các tập đoàn nhà nước và Bộ Công thương khá hơn được.

Ý Nhi – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023