Sự thật đằng sau tấm Huân chương Lao Động Hạng ba của ông bà chủ Vạn Thịnh Phát là gì?

Những thông tin bí mật không thể qua mặt được người sử dụng mạng xã hội, mới nhất, thông tin “Năm 2011, bà Trương Mỹ Lan được Nhà nước Việt Nam trao tặng Huân Lao động Hạng ba”, khiến dư luận hết sức bất ngờ.

Hầu hết các vụ bê bối liên quan đến các đại án “lừa đảo”, đều có bóng dáng của chiếc “Huân chương Lao động Hạng 3” của nhà nước Việt Nam. Trước đây, Công ty Cổ phần Việt Á cũng được Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tặng, là một ví dụ chua xót.

Song có lẽ, người ký tặng Huân chương Lao động Hạng ba cho bà Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, không phải là ông Nguyễn Phú Trọng, mà người ký tặng lúc đó là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Cần nhắc lại, năm 2014, trong phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng, có ông Dương Chí Dũng, với tư cách là một nhân chứng. Ông Dương Chí Dũng là anh trai của ông Dương Tự Trọng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), đã bị kết án tử hình trong một phiên tòa trước đó. Lần này, ông Dũng khai trước tòa rằng, ông đã nhận của bà Trương Mỹ Lan 1 triệu USD, để chuyển cho Tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an, trong đó nhờ đưa Tướng Ngọ đưa cho Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang 500 ngàn USD. Đây là tiền “lót tay” cho việc chuyển đổi công năng sử dụng khu đất Cảng Nhà Rồng – Khánh Hội, ở quận 4, sau khi Cảng Sài Gòn di dời.

Rất may cho bà Trương Mỹ Lan, bởi sau lời khai của tử tù Dương Chí Dũng về việc đưa hối lội kể trên, thì Thượng tướng Phạm Quý Ngọ đột ngột qua đời một cách “bí ẩn”, không rõ nguyên do. Giới thạo tin tiết lộ, khả năng cao, Tướng Ngọ đã bị “diệt khẩu”.

Thế là vụ án đó chìm xuồng đúng quy trình, bà Trương Mỹ Lan vô can, được coi là “bất khả xâm phạm”, chứng tỏ, bà Lan có ô dù rất lớn che chở.

Ngoài ra, trong hồ sơ Panama, vụ rò rỉ tài liệu lớn nhất trong lịch sử thế giới, tiết lộ cách thức những người giàu có và quyền lực chuyển tiền ra nước ngoài. Theo dữ liệu được công bố vào tháng 5/2016, từ Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ), trong “Hồ sơ Panama” có tên Trương Mỹ Lan và Eric Chu Nap Kee, tức Chu Lập Cơ, chồng của bà Trương Mỹ Lan.

Liệt kê những vấn đề kể trên để thấy, dù rằng, hai vợ chồng ông bà Chu Lập Cơ và Trương Mỹ Lan có nhiều dấu hiệu cho thấy, họ làm ăn phi pháp, không đủ điều kiện để được tặng Huân chương Lao động Hạng ba. Song, rõ ràng, ông Trương Tấn Sang đã sử dụng quyền lực của Chủ tịch nước để ký tặng. Không ngoài mục đích tạo tiếng tăm và thanh thế cho bà Trương Mỹ Lan, để tiện đường kinh doanh cũng như lừa đảo.

Đó là một tập quán thường thấy của các doanh nghiệp kinh doanh mờ ám, thiếu minh bạch, nên họ thường phải tạo ra các vỏ bọc, với mục tiêu không trong sáng.

Trong một thời gian dài, sự lớn mạnh của Vạn Thịnh Phát gắn chặt với quá trình thăng quan, tiến chức của ông Lê Thanh Hải. Mà Lê Thanh Hải vốn là đàn em của Trương Tấn Sang, từ thời ông Trương Tấn Sang còn là Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 1996 – 2000.

Lê Thanh Hải không chỉ xây dựng quyền lực của mình trong cơ quan Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, mà Hải “heo” còn trở thành “lãnh chúa Sài Gòn”, kể từ năm 2006 đến năm 2015, khi hết nhiệm kỳ Đại hội 11.

Xin nói thêm, một trong những lý do khiến Tổng Bí thư Trọng không dám xử lý “sâu chúa” Lê Thanh Hải, cũng bởi vì, sự liên minh giữa ông Trọng và ông Tư Sang trước đó để chống lại cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong khoảng thời gian từ 2011 đến 2015. Cuối cùng, với sự thất bại của ông Ba Dũng trong cuộc đua vào chiếc ghế Tổng Bí thư tại Đại hội 12, đến đầu năm 2016, ông Nguyễn Phú Trọng trở thành Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ 2.

Hơn thế nữa, ông Lê Thanh Hải đã có 3 khoá là Ủy viên Trung ương, trong đó có hai khóa là Ủy viên Bộ Chính trị, ông Lê Thanh Hải nắm tường tận những “thâm cung bí sử”, đấu đá nội bộ và tranh giành quyền lực trong Đảng.

Có tin cho rằng, Lê Thanh Hải đã bắn tin cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, rằng “lòng vả cũng như lòng sung”, trước kia anh đã vô trách nhiệm, thì bây giờ đừng bắt người khác phải chịu trách nhiệm thay anh.

Đó là lý do, dù trên cương vị Tổng Bí thư, nhưng ông Trọng thường xuyên “tránh mặt” ông Lê Thanh Hải. Giới thạo tin cho biết:

“Một điều dị thường khác đối với ông Nguyễn Phú Trọng, là từ lúc lên làm Tổng Bí thư khóa XI và khóa XII, hầu như, không lần nào ông đặt chân đến sinh hoạt với các Đảng bộ tại Sài Gòn nói riêng, và ở miền Nam nói chung. Ông Trọng chỉ đến Sài Gòn vài lần để dự ngày lễ kỷ niệm 30/4, và một lần sau cùng là đến Kiên Giang – nơi ông đã bị đột quỵ vào ngày 17/4/2019.”

Cuối cùng, vừa tròn 12 năm, sau khi được trao tặng Huân Lao động Hạng ba, bà Trương Mỹ Lan đã bị Bộ Công an khẳng định rằng, bà đã sử dụng các thủ đoạn để chi phối hoạt động của Ngân hàng SCB và đã chiếm đoạt số tiền lớn tới 12,3 tỷ USD.

Điều đó cho chúng ta thấy, hệ thống quản lý giám sát của hệ thống chính trị hiện nay ở Việt Nam, đã hoàn toàn mất tác dụng. Không chỉ do lợi ích của các thế lực chính trị trong Đảng chi phối, khi mà thất bại của đối thủ, trở thành “chiến quả” của thế lực “kình địch”.

Vì thế, chúng ta đừng bao giờ tin rằng, công cuộc chống tham nhũng của Đảng sẽ thành công./.

Trà My – Thoibao.de