Tô Lâm sai sót lớn, tạo chứng cứ bắt ông Lưu Bình Nhưỡng, nhưng quên mất vai trò Đại biểu Quốc hội?

Việc Công an tỉnh Thái Bình bắt giữ khẩn cấp cựu Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội, tối 14/11, với tội danh “cưỡng đoạt tài sản”, đến nay, xem ra khó có thể thuyết phục được dư luận xã hội.

Báo Tuổi Trẻ ngày 7/12, đăng bản tin với tựa đề:“Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Thái Bình thông tin về hành vi của ông Lưu Bình Nhưỡng”.

Theo báo Tuổi Trẻ, liên quan việc khởi tố, bắt giam ông Lưu Bình Nhưỡng, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, chiều 7/12, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Thái Bình – ông Lại Hợp Mạnh – đã trao đổi thêm với các đại biểu tại kỳ họp thứ 7 Hội đồng Nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII.

Viện trưởng Viện Kiểm sát tỉnh Thái Bình Lại Hợp Mạnh đã thừa nhận, suốt 24 ngày qua, kể từ ngày 14/11, sau khi bắt khẩn cấp đối với ông Lưu Bình Nhưỡng, dư luận xã hội và cử tri cả nước rất quan tâm vấn đề này.

Ông Lại Hợp Mạnh nhắc lại căn cứ ban đầu để khởi tố và bắt tạm giam ông Lưu Bình Nhưỡng, là dựa trên kết quả điều tra vụ án Phạm Minh Cường (tức Cường Quắt), là băng nhóm chuyên cưỡng đoạt một số doanh nghiệp được cấp phép khai thác mỏ cát ven biển, trên địa bàn xã Thụy Dương, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Ông Lưu Bình Nhưỡng đã bị Công an Thái Bình cho là đồng phạm, giúp sức cho Phạm Minh Cường cưỡng đoạt tài sản, theo Khoản 4, Điều 170, Bộ luật Hình sự.

Theo ông Lại Hợp Mạnh, “công cuộc làm ăn của nhóm Phạm Minh Cường bị nhóm khác cản trở, nên Phạm Minh Cường nhờ ông Lưu Bình Nhưỡng giúp can thiệp, vì có mối quan hệ từ trước. Cường được cho là nhận ông Nhưỡng là bố nuôi, và ông Nhưỡng nhận Cường là cháu.”

Tuy nhiên, công luận thấy rằng, Viện trưởng Viện Kiểm sát Thái Bình Lại Hợp Mạnh đã không nói rõ, ông Lưu Bình Nhưỡng đã can thiệp, tác động đến cơ quan cụ thể nào, tác động như thế nào, tạo điều kiện gì cho nhóm Phạm Minh Cường, và tác động này trợ giúp cho hoạt động “thu mãi lộ” của các doanh nghiệp ra sao?

Ông Kim Văn Chính, cựu giảng viên của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, trong status với tựa đề “Vụ án Lưu Bình Nhưỡng” đã đưa nhận xét rằng, có vẻ, Công an Thái Bình càng ngày càng bế tắc trong việc tìm bằng chứng kết tội ông Nhưỡng cho đúng luật pháp.

Ban đầu, bằng chứng được cho là bộ cánh cổng nhà thờ họ ở quê ông Nhưỡng, được công an bảo vệ, như bảo vệ một bằng chứng. Nhưng đến hôm nay, Công an tỉnh Thái Bình vẫn không chứng minh được, “bộ cánh cổng đó là bằng chứng tội phạm ở chỗ nào?”

Đó là lý do, tỉnh Thái Bình phải “đẩy” Viện trưởng Viện Kiểm sát Lại Hợp Mạnh ra để chống chế, mà cũng chỉ công bố những nghi vấn mờ nhạt về tội đồng lõa cướp đoạt tài sản của ông Lưu Bình Nhưỡng. Với lý do, “Cường “quắt” thường “khoe” là con nuôi ông Nhưỡng”, để làm chứng cứ kết tội “đồng lõa” cưỡng đoạt tài sản, thì quá non tay.

Dư luận thấy rằng, chuyện “cáo mượn oai hùm” rất phổ biến trong giới làm ăn, ai mà không biết. Trong khi, ông Lưu Bình Nhưỡng là nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV. Hay nói ngắn gọn, ông Nhưỡng là đại biểu của nhân dân, phải có trách nhiệm với người dân theo quy định.

Giới chuyên gia cho rằng, với tư cách Đại biểu Quốc hội, nếu nhận được phản ánh của người dân, ông Lưu Bình Nhưỡng gửi đơn kiến nghị và đề nghị cơ quan chức năng xem xét, để xử lý hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật của các nhóm xã hội, là việc thực hiện đúng trách nhiệm, là điều cần phải hoan nghênh. Chứ không thể lấy việc đó để kết tội ông Nhưỡng là đồng phạm giúp sức.

Hơn nữa, trong tư cách Đại biểu Quốc hội, ông Lưu Bình Nhưỡng không có trách nhiệm, nghĩa vụ, tìm hiểu việc cắm cọc giới hạn địa điểm làm ăn của Cường “quắt” ra sao. Cụ thể thế nào, điều đó thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương phải làm rõ.

Việc Đại biểu Quốc hội Nhưỡng nghe phản ảnh của người dân, sau đó gửi đơn kiến nghị là điều bắt buộc phải làm, trong tư cách là một người đại diện cho dân, chứ không phải tư cách cá nhân, hay cơ quan thực thi luật pháp.

Sau khi có đơn phản ảnh của ông Nhưỡng, kết quả ra sao thuộc về thẩm quyền xác minh, kết luận của cơ quan bảo vệ pháp luật, ông Lưu Bình Nhưỡng không phải là nơi ra quyết định.

Thậm chí, nếu ông Lưu Bình Nhưỡng nhận được thông tin, các băng xã hội cản trở doanh nghiệp để thu tiền trái pháp luật, nhưng ông Nhưỡng không báo cho cơ quan chức năng xử lý, thì ông Nhưỡng có thể bị xử lý do không thực hiện đúng và đủ trong vai trò một Đại biểu Quốc hội.

Đó là lý do, ngay từ ban đầu, phản ứng của dư luận có chung nhận xét, vụ bắt bớ ông Lưu Bình Nhưỡng là một âm mưu chính trị, triệt hạ phe cánh trong nội bộ Đảng.

Trong một xã hội độc tài toàn trị như Việt Nam hiện nay, việc cai trị hoàn toàn dựa vào ý chí của một vài cá nhân lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam. Ở đó, mọi cơ chế điều chỉnh và giám sát quyền lực nhà nước sẽ bị vô hiệu hóa. Kể cả tiếng nói của các đại biểu Quốc hội, những người dám cất tiếng chỉ trích thực trạng chính trị và xã hội, với mong muốn đất nước tốt đẹp hơn./.

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023