Vì sao Tô Bộ trưởng để quyền lực sa sút và bị “hắt hủi” so với lệ thường?

Trong ngành tư pháp Việt Nam, tồn tại một nguyên tắc bất thành văn, không chỉ đối với các quan chức cao cấp, mà được áp dụng cả cho các viên chức cấp thấp. Đó là, nếu họ vi phạm pháp luật, thường được ưu ái hơn, được xử lý theo kiểu “giơ cao đánh khẽ”, thay vì bảo vệ sự nghiêm minh công lý.

Ngày 29/12, báo Dân Trí đưa tin, với tiêu đề “Cựu Cảnh sát Giao thông bắt cóc trẻ em: Nợ 7 tỷ vì tiền ảo, lĩnh án 20 năm tù”. Đây là điều được dư luận đánh giá là hết sức bất ngờ, so với lệ thường.

Trước đó, ngày 28/12, truyền thông nhà nước đưa tin, 3 cựu công an Thái Bình bị án tù vì tội “dùng nhục hình”. Theo đó, “Ba cựu công an tỉnh Thái Bình, vào ngày 28/12 đã nhận tổng cộng hơn 22 năm tù giam, vì đã sử dụng nhục hình đối với người bị giam giữ.”

Cụ thể, các ông: Phạm Quang Hùng – nguyên Đội trưởng Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Phó trưởng Nhà tạm giữ Công an huyện Vũ Thư – bị kết án 11 năm tù; Trịnh Thanh Hùng – nguyên Phó đội trưởng Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Công an huyện Vũ Thư – bị kết án 10 năm tù; và ông Nguyễn Trọng Giáp – cán bộ Nhà tạm giữ Công an huyện Vũ Thư – bị án 15 tháng tù.

Vụ án này liên quan đến việc, một nam nghi phạm tên là Bùi Văn Bích, sinh năm 1974, trú tại xã Trung An, huyện Vũ Thư, đã chết bất thường tại nhà tạm giữ công an huyện Vũ Thư, hồi cuối tháng 2/2022.

Trở lại bản tin của báo Dân Trí ngày 29/12. Bản tin cho biết, Tòa án Nhân dân Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo là cựu Thượng úy Nguyễn Đức Trung, cán bộ tham mưu Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Vĩnh Phúc, về tội danh “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”.

Trước Tòa, cựu Thượng úy Công an Nguyễn Đức Trung khai, năm 2019, túng quẫn vì nợ khoảng 6 – 7 tỷ đồng do đầu tư tiền ảo, không còn khả năng trả nợ, nên Trung nảy sinh ý định trộm cắp và ý định bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.

Chuyện này xảy ra trong bối cảnh, những năm gần đây, dư luận xã hội hết sức bức xúc trước tình trạng tha hóa, xuống cấp đạo đức, của lực lượng Công an Việt Nam. Đa số người dân không còn tin tưởng vào lực lượng nhân danh “thanh kiếm lá chắn”, với trách nhiệm đảm bảo an ninh và trật tự an toàn cho xã hội, nhưng lại để xảy ra quá nhiều bê bối nghiêm trọng.

Nhưng, việc cựu Thượng úy Nguyễn Đức Trung, cán bộ tham mưu Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Vĩnh Phúc, lĩnh mức án tới 20 năm tù giam, là một sự kiện hết sức bất thường.

Điều này liên quan gì tới những đồn đoán gần đây của giới thạo tin, khi cho rằng, “Vòng vây Tô Lâm đã siết chặt, Tổng Trọng bật đèn xanh loại bỏ Bộ trưởng Công an” hay không?

Theo đó, gần đây xuất hiện những đồn đoán liên quan đến mối bất hòa giữa Trưởng ban Nội chính Trung ương – ông Phan Đình Trạc – thuộc phe cánh chính trị Nghệ An, là một trong những thế lực lâu nay vẫn ủng hộ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

Xin được nhắc lại, giới thạo tin cho hay, thời gian gần đây, trước sự lộng hành của Tô Lâm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiết lộ với những nhân vật thân cận rằng, ông rất muốn đưa ông Phan Đình Trạc, Trưởng ban Nội chính Trung ương, thay thế cho Bộ trưởng Công an Tô Lâm.

Những vấn đề biến động nhân sự của Bộ Công an trong thời gian gần đây, được cho là những động thái “lót ổ” chờ thời của ông Trạc và ban lãnh đạo phe Nghệ An. Tin cho biết, Tướng Nguyễn Duy Ngọc – Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an – là một người đồng hương và được Bộ trưởng Tô Lâm tin tưởng, đã “quay xe”, chuyển sang phục vụ cho ông Phan Đình Trạc.

Mới nhất, ngày 12/12, Tướng Nguyễn Duy Ngọc vừa được phong quân hàm Thượng tướng. Đó là lý do vì sao, Bộ trưởng Công An Tô Lâm không còn điều khiển được Cơ quan Cảnh sát Điều tra, mà chỉ có thể sử dụng và điều hành Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an, dưới sự chỉ huy của Thượng tướng Lương Tam Quang, cũng là một người đồng hương Hưng Yên của ông Tô Lâm.

Thậm chí, có những tin đồn ác ý rằng, các cuộc họp của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an trong thời gian gần đây, Bộ trưởng Tô Lâm không được mời tham dự, và người chủ trì thay ông Tô Lâm không ai khác, chính là ông Phan Đình Trạc.

Công luận thấy rằng, lực lượng Công an Nhân dân dưới thời của Bộ trưởng Tô Lâm đã vi phạm pháp luật, không chỉ dừng lại ở tư cách cá nhân, mà còn là phạm pháp có tổ chức, và có sự dung túng cho kẻ phạm pháp. Nguy hiểm hơn, đó là việc, công an viên biến “trụ sở công an” trở thành nơi giao dịch mua bán đồ ăn cắp, mà hoàn toàn không bị xử lý.

Phải chăng, đó là hệ quả của tình trạng, “thượng bất chính, hạ tắc loạn”, không chỉ trong nội bộ ngành công an, mà cả ở thượng tầng kiến trúc của bộ máy chính trị Việt Nam.

Công luận đề nghị, Bộ trưởng Công an Tô Lâm phải trả lời cho nhân dân được rõ, vì sao để cho lực lượng “còn Đảng thì còn mình” tha hóa nghiêm trọng đến như vậy?./.

Trà My – Thoibao.de

30.12.2023

Kasse animation 7.8.2023