Hàng triệu giáo viên sắp “khóc thét” với đề xuất vớ vẩn gì của Bộ Giáo Dục?

Tới đây, giáo viên các cấp muốn đứng lớp sẽ phải có “Giấy chứng nhận nghề nghiệp giáo viên”, theo dự kiến đề xuất của Bộ Giáo dục Đào tạo.

Báo Tuổi Trẻ ngày 19/1 đưa tin, “Nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp”.

Bản tin cho biết, ngày 19/1, Bộ Giáo dục Đào tạo đã tổ chức Hội thảo tham vấn chuyên môn về xây dựng Luật Nhà giáo.

Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, thuộc Bộ Giáo dục Đào tạo, cho biết, “Giấy chứng nhận nghề nghiệp cho nhà giáo, theo như dự kiến đề xuất Bộ Giáo dục Đào tạo, là văn bản do cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho người đạt chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, đáp ứng yêu cầu để hoạt động nghề nghiệp nhà giáo.”

Đồng thời, ông Vũ Minh Đức cũng cho biết, giấy chứng nhận nghề nghiệp sẽ giúp việc hành nghề của giáo viên thuận lợi hơn, tôn vinh nhà giáo và theo thông lệ nhiều ngành nghề khác. Ông Đức cũng dẫn chứng, ở nhiều nước, giấy chứng nhận nghề nghiệp là minh chứng một người đủ điều kiện hành nghề giáo viên.

Phản ứng của dư luận xã hội đã bày tỏ sự không đồng tình về chủ trương này. Trên mạng xã hội Facebook, đa số ý kiến của giới giáo chức cho rằng, giấy chứng nhận này là thừa thãi, và thực chất, nó là một loại “giấy phép con”, mục đích là tìm cách bòn rút tiền của giáo chức. Trên thực tế, giáo viên đã được công nhận vì họ có bằng tốt nghiệp ngành sư phạm do các cơ sở đào tạo cấp. Các cơ sở đào tạo này đều được nhà nước cho phép hoạt động.

Về vấn đề Cục trưởng Vũ Minh Đức cho rằng, “ở nhiều nước, giấy chứng nhận nghề nghiệp là minh chứng một người đủ điều kiện hành nghề giáo viên”. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mạc Văn Trang phản bác, đó là một cách so sánh khập khiễng và mang tính học mót – theo lối người ta có thì mình cũng phải có. Ông Cục trưởng không hiểu rằng:

“Ở các nước, người ta có hội nghề nghiệp, như Hội Giáo chức, sau khi đã thành nghề thì các hội đó sẽ cấp giấy chứng nhận hành nghề. Ở Việt Nam không có hội đó, mà do Nhà nước làm hết. Mà Nhà nước thì đã đào tạo người ta [giáo viên] rồi không cần phải làm thêm cái gì nữa cả.”

Báo Lao Động ngày 22/1, trong bài viết “Thay vì cởi trói, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại “ràng” thêm cho giáo viên giấy phép con”. Theo đó:

“Hàng triệu nhà giáo trên cả nước đang “khóc thét” với thông tin Bộ Giáo dục Đào tạo đề xuất thêm một giấy phép con – nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp. Thay vì cởi trói, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại “ràng” thêm cho giáo viên giấy phép con.”

Vẫn theo báo Lao Động, giấy chứng nhận nghề nghiệp này là thừa thãi và mang tính hình thức, không khác gì quyết định công nhận hoàn thành chế độ tập sự của giáo viên mới ra trường.

Nhà báo Đào Tuấn “tâm tư” và viết trên trang Facebook cá nhân rằng, ““Chứng nhận nghề nghiệp cho giáo viên” mà Bộ Giáo dục vừa đề xuất – một thứ không thể gọi khác: giấy phép con – đúng nghĩa.

Tại sao giáo viên giờ lại có một chứng nhận để được công nhận là giáo viên, khi họ vẫn đang là giáo viên?! Có trời mới biết, hoặc chỉ những người đang nằm trong chăn làm chính sách mới biết.”

Dư luận trong giới giáo chức ở Việt Nam thấy rằng, Bộ Giáo dục Đào tạo, thay vì ngồi nghĩ ra những loại giấy phép con, thì nên tập trung tìm ra các giải pháp để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Xóa bỏ các chính sách, các thủ tục hành chính không hợp lý, không cần thiết, để giới giáo chức có thể toàn tâm toàn ý nâng cao chuyên môn, để tập trung giảng dạy với chất lượng tốt hơn.

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, một người đã từng tham gia chương trình đào tạo Thạc sĩ hợp tác giữa Bỉ và Việt Nam, đã nhận định với Đài Á Châu Tự Do (RFA) rằng:

“Tôi thấy đây là ảo vọng của các nhà quản lý Việt Nam, họ cứ nghĩ rằng, thêm một chứng chỉ, thêm bằng cấp, thêm loại hình thức thì sẽ có thay đổi về chất lượng giáo dục. Cái này không phải lần đầu tiên mà là n lần họ lại sai trái đường hướng.”

Trước đây, Bộ Giáo dục Đào tạo cũng đưa ra quy định về tiêu chuẩn trình độ chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên. Theo đó, tất cả các giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đều phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, là một ví dụ về những quy định mang tính hình thức. Đến cuối tháng 12/2020, Bộ Giáo dục đã phải bãi bỏ quy định này.

Đó là chưa nói đến các chủ trương, chính sách do Bộ Giáo dục đưa ra và áp dụng trong nhiều năm qua, khiến Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phải thốt lên, “trên thế giới không có nước nào làm như thế cả, tới đây sẽ được xem xét bãi bỏ”.

Đó là lý do, theo các chuyên gia giáo dục, nền giáo dục Việt Nam hiện nay cần phải có một sự sửa đổi căn bản, chứ không phải là những sửa đổi lặt vặt bề ngoài, mang tính hình thức../.

Trà My – Thoibao.de

24.1.2024

Kasse animation 7.8.2023