Dân tộc bị bắt làm con tin đến bao giờ?

Ngày 5/2, RFA Tiếng Việt đăng bài bình luận của tác giả Trần Hiếu Chân – “Đảng Cộng sản Việt Nam 94 tuổi: Dân tộc bị bắt làm con tin đến bao giờ?”

Tác giả nhận xét, “Mừng Đảng, mừng Xuân…” mà chẳng thấy mừng Dân tộc? Ngày Tết, không đoái hoài đến lương dân, nên chưa mường tượng ra “đẳng cấp” này được/bị Đảng xếp loại mấy?

Tác giả đề cập đến bài viết nhân ngày Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng tên, dài 14.400 chữ. Sau tuần lễ ẩn ẩn – hiện hiện trên chốn công đường, và những lần vào – ra bệnh viện, với “long thể” ấy mà Tổng Bí thư vẫn duyệt nổi và cho posting lên một bài viết “tuôn trào” như thế, thì quả thực, “Đảng ta vĩ đại thật!”

Bài viết này được hàng tá bài phụ họa, tụng ca, từ các báo “lề phải” và các trang mạng “chân rết” từ Trung ương lẫn các địa phương khắp trong cả nước, theo kiểu khen “bộ quần áo mới của Hoàng đế”

Tác giả mỉa mai, các trang báo và trang mạng tung hô “Đảng ta vĩ đại thật”, lâu dần đã trở thành một diễn ngôn về sự ngụy biện lớn nhất trong truyền thông xưa nay ở Việt Nam.

Giống hệt như những thần dân và các quan lại triều đình từ câu chuyện về “bộ quần áo mới của hoàng đế”, các thành viên của “vòng trong kề cận Đảng” không sẵn lòng bộc lộ sự hiểu biết của mình, bằng cách nhận chân thực tế nghiệt ngã trong cuộc mưu sinh của người dân và doanh nghiệp, trong cơn khốn khó hiện nay. Tất cả đều ngậm miệng (ăn tiền), thậm chí còn giả vờ thông thái, tỏ ra tin tưởng vào những điều bịa đặt, mặc dầu, trong thâm tâm, họ hiểu được sự vô nghĩa và giả dối của những “bản thánh ca phi sự thật” ấy.

Theo tác giả, sẽ không công bằng nếu đổ dồn tất cả lên đôi vai một ông già – tuy có “bệnh” tham quyền cố vị – về những trọng trách lịch sử của Đảng Cộng sản suốt 94 năm qua.

Tác giả dẫn lời kể của nhà báo Huy Đức, trong một status ngắn trên Facebook cá nhân, rằng:

“Một lần, cựu Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình hỏi “Chúng ta bắt đầu sai từ bao giờ?” Nhà văn Nguyên Ngọc trả lời: “Thưa chị, chúng ta bắt đầu sai từ Đại hội Tua” [Đại hội lần thứ 18 của Đảng Xã hội Pháp, tổ chức tại thành phố Tours, năm 1920].”

Tác giả bình luận, từ sai lầm gốc nói trên, Đảng đã đẻ ra những lãnh tụ nông dân, tả khuynh, chịu  ảnh hưởng của đường lối chuyên chế và các biện pháp cưỡng bách khác. Họ chủ trương lấy việc “cướp chính quyền” làm cứu cánh, còn tất cả chỉ là phương tiện, kể cả hàng triệu sinh mạng của quân và dân trong các cuộc nội chiến Bắc – Nam.

Cũng do đường lối độc tài và chuyên chế mang từ Liên Xô và Trung Quốc về, cho đến nay, cách nhìn của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với một số vấn đề quốc tế lẫn quốc nội, hầu như vẫn bế tắc. Đảng cũng không chịu nhận bất cứ trách nhiệm lịch sử nào trước những vấn nạn hiện nay của đất nước, ít nhất là về mặt đạo lý dân tộc.

Theo tác giả, Đảng kêu gọi kiều bào cùng chung tay xây dựng Tổ quốc. Đảng trân trọng lượng kiều hồi hàng năm đổ về nước ngày càng tăng. Nhưng, như Tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm từng phân tích: “Nghị quyết 36 không đề cập gì đến những sai lầm lớn lao và tàn độc của Đảng Cộng sản sau năm 1975 đối với quân dân chính miền Nam, nhất là đối với người dân Sài Gòn”.

Tác giả dẫn lại nhận xét của Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy, được đài RFA tường thuật, cho rằng, để giải quyết những bài toán lớn của quốc gia thì đòi hỏi người cầm quyền không phải chỉ có giấc mơ lớn, mà cần phải có năng lực.

Tác giả kết luận, nhà cầm quyền hiện đang cố tình áp đặt, nhằm bám giữ chiếc ghế quyền lực cho chính mình, đánh đổi lại là cả một xã hội bị kìm nén, ngột ngạt, mất niềm tin, và một quốc gia phát triển không có định hướng và chiến lược. Câu hỏi được đặt ra trước hiện trạng này là, Đảng Cộng sản Việt Nam còn muốn bắt giữ dân tộc này làm con tin cho những tham vọng quyền lực của Đảng đến bao giờ?

 

Xuân Hưng – thoibao.de

5.2.2024

Kasse animation 7.8.2023