Liệu Việt Nam có thành công trong việc vận động Hoa Kỳ công nhận “nền kinh tế thị trường”?

Bỏ nhãn ‘kinh tế phi thị trường’, ai hưởng lợi? (kỳ 1)

Ngày 20/2, blog Tùng Phong trên VOA Tiếng Việt có bài bình luận “Bỏ nhãn “kinh tế phi thị trường”, ai hưởng lợi?”

Tác giả nhắc lại việc quan chức Việt Nam liên tục đề nghị, hối thúc Washington về việc này. Như, lời kêu gọi của Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng vào ngày 23/1; việc vận động giới chức Hoa Kỳ của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến công du vào tháng 9/2023; và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trong chuyến công du vào tháng 11/2023.

Tác giả đặt câu hỏi: Phải chăng, sự nóng lòng của Hà Nội là do lo ngại về khả năng Donald Trump trở lại Nhà trắng sau cuộc bầu cử tháng 11/2024?

Vị Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ từng có phát ngôn gây sốc, khi chỉ mặt, “Việt Nam là kẻ lạm dụng thương mại tồi tệ nhất”. Rất có thể, ông sẽ có những quyết định bất lợi đối Việt Nam, nếu trở lại nắm quyền.

Tác giả cũng đề cập đến lá thư của 8 thượng nghị sĩ và 25 dân biểu Hoa Kỳ, đề nghị chính quyền Biden không công nhận nền kinh tế thị trường cho Việt Nam. Ngoài việc vạch trần “Việt Nam như một kênh chuyển tiếp hàng hoá của Trung Quốc”, thì các nhà lập pháp Hoa Kỳ còn đánh giá, Việt Nam không đáp ứng được bất kỳ tiêu chí nào trong 6 tiêu chí theo Đạo luật Omnibus 1988, về việc xác định một nền kinh tế thị trường. Điều này có nghĩa là, đề nghị của Hà Nội thiếu cơ sở pháp lý.

Tác giả nhận xét, Hoa kỳ là một quốc gia pháp trị, “tam quyền phân lập”. Chính phủ của Tổng thống Joe Biden, dù có “muốn” cũng khó lòng tùy nghi đưa ra những “quyết sách chính trị” trái với qui trình luật pháp.

Tác giả tiếp tục đề cập đến phát hiện của các cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ, cho hay, “Việt Nam là nước xuất khẩu hàng hoá dính dáng tới lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ lớn nhất trong năm 2023”, vượt qua cả Trung Quốc. Theo đó, Việt Nam đứng đầu danh sách các quốc gia có hàng hóa bị từ chối nhập cảnh, cao hơn Malaysia và Trung Quốc, với 1.197 lô hàng có trị giá hơn 220,3 triệu USD, với rất nhiều mặt hàng góp mặt.

Tác giả bình luận, những chứng cứ mà cơ quan Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ đưa ra, sự phản đối của các nhà lập pháp Hoa Kỳ, chẳng khác nào một gáo nước lạnh cho lời đề nghị của Hà Nội.

Tác giả dẫn nhiều tư liệu để chứng minh rằng, việc hàng Trung Quốc tạm nhập vào Việt Nam, gắn mác Việt Nam, rồi xuất sang thị trường Mỹ, đã bùng nổ kể từ Thương chiến Mỹ – Trung dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Theo tác giả, Hoa Kỳ và EU là hai thị trường xuất khẩu giúp Việt Nam kiếm được nguồn thặng dư thương mại. Bất kể biến động nào từ 2 thị trường này, đều có thể tác động rất lớn tới các ngành sản xuất của Việt Nam. Đơn cử, việc các doanh nghiệp dệt may Việt Nam thiệt hại nặng nề khi vi phạm Đạo luật Ngăn chặn lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ của Hoa Kỳ, trong năm 2023.

Tác giả đánh giá, việc bị dán nhãn “nền kinh tế phi thị trường” cùng với profile ngày càng dày về các hành vi gian lận thương mại, hàng hóa Việt Nam sẽ gặp nhiều rủi ro pháp lý và bị áp đặt mức thuế rất cao. Mục tiêu gỡ bỏ nhãn “nền kinh tế phi thị trường” đang ngày càng trở nên cấp bách đối với Hà Nội. Với lập luận mà giới lập pháp Hoa Kỳ đưa ra theo Đạo luật Omnibus 1988, có rất ít cơ hội để Việt Nam có thể lách qua khe cửa hẹp. Tuy vậy, năng lực “vận động hành lang” của Hà Nội là không thể xem nhẹ.

Tác giả liệt kê một số thành công về vận động hành lang của Hà Nội, như việc chính quyền Biden gỡ nhãn “thao túng tiền tệ” cho Việt Nam, sau những nỗ lực ngoại giao của Hà Nội, dù Việt Nam vi phạm cả 3 tiêu chí theo Bộ Tài chính Hoa Kỳ. Ví dụ khác là việc Việt Nam vẫn được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, dù có “thành tích” tồi tệ về nhân quyền. Cũng như việc Việt Nam đã ký kết thành công Hiệp định Tự do thương mại Việt Nam – EU (EVFTA), và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) với Liêu Âu.

Tác giả cho rằng, có lẽ, tự tin vào khả năng “vận động hành lang” với những lời hứa không bao giờ thực hiện, Hà Nội đang ra sức thuyết phục Washington công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, trước thời điểm nước Mỹ bước vào kỳ bầu cử đầy kịch tính vào tháng 11 tới đây.

Tác giả kết luận, cơ hội cho Việt Nam vẫn rất lớn, nhưng thời gian không chờ đợi và quá nhiều biến số khó đoán ở phía trước.

 

Thu Phương – thoibao.de