Ga Tàu Thuỷ Bạch Đằng – một cách dùng từ tuỳ tiện, phản cảm

“Ga Tàu Thủy Bạch Đằng”: Ai là tác giả?

Ngày 28/2, blog Gió Bấc trên RFA có bài ‘“Ga Tàu Thuỷ Bạch Đằng”: ai là tác giả?”

Tác giả cho biết, mấy ngày qua, mạng xã hội sôi sùng sục vì hình ảnh biển hiệu trái tai gai mắt “Ga Tàu Thủy Bạch Đằng”. Người Việt xưa nay quá quen với từ BẾN gắn với nơi ghe tàu neo đậu đón khách, tiếp nhận bốc dỡ hàng hóa, như bến sông, bến tàu, bến cảng, ở cả hai miền Nam – Bắc.

Tác giả nhận xét, riêng Bến Bạch Đằng ở Sài Gòn đã thành đia danh quen thuộc, cảnh quan đặc trưng. Hơn thế nữa, nơi đây có tượng đức Trần Hưng Đạo uy nghi, từng bị dời lư hương gây xáo động lòng người, nên càng thêm nhạy cảm. Bến Bạch Đằng của Sài Gòn không chỉ là cái tên vô cảm, mà mang hơi thở của lịch sử, tâm thức giữ nước của cha ông truyền lại. Biển hiệu “Ga Tàu Thủy Bạch Đằng” xa lạ, lừng lửng phá nát không gian quen thuộc, cứ như cái gai đâm vô mắt vô tim, như thách thức lòng dân.

Tác giả đề cập đến cảnh báo của nhà báo Tâm Chánh, nguyên Tổng Biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị, rằng: “Các anh chị lãnh đạo Sài Gòn đừng giỡn, đề biển Bến tàu Bạch Đằng là Ga tàu thuỷ Bạch Đằng. Mất gốc đó đa!”

Tác giả cũng dẫn status hóm hỉnh của nhà thơ Đỗ Trung Quân, khi ông thay từ GA vào từ BẾN trong các nhạc phẩm Bến Xuân của 2 nhạc sĩ Văn Cao và Phạm Duy, hay bài Sài Gòn đẹp lắm của nhạc sĩ Y Vân.

Khi đó, “BẾN Xuân” trở thành “GA Xuân”; và “dừng chân trên BẾN khi chiều nắng chưa phai” trở thành “dừng chân trên GA khi chiều nắng chưa phai”.

Tác giả nhắc đến tình trạng sử dụng tiếng Việt tuỳ tiện, mà nhà báo Nguyễn Thông đã chỉ ra:

“Mọi thứ, nghĩa của các từ ga, bến, cảng, sân bay đều rất rõ ràng, rành mạch, chuẩn mực như thế, chả hiểu đứa chết mẹ nào thay đổi, gọi thành “Cảng hàng không quốc tế Long Thành”, “Cảng hàng không Tân Sơn Nhất/Nội Bài”, “Ga Tàu Thủy Bạch Đằng”, “Cảng xe khách miền Đông”. Từ ông Chủ tịch nước, ông Thủ tướng, ông Bộ trưởng Giao thông, tới đám quan chức lau nhau dưới, cả báo chí nữa, đều hết sức bát nháo khi dùng những từ “ga, bến, cảng”, mặc dù đó là tiếng mẹ đẻ của họ. Chính họ phá tiếng Việt chứ không phải ai khác.”

“Nếu vị nào đem những từ nói trên so với tiếng nước ngoài, rồi lấy lý do này nọ để bào chữa cho cái sai, chẳng hạn nói thời hội nhập thì phải thế, thì tôi xin nói ngay: người Việt cứ phải dùng tiếng Việt cho đúng cái đã.”

Tác giả tìm kiếm trên Google thì phát hiện, hóa ra, từ Ga Tàu Thủy không chỉ mới xuất hiện năm 2024, mà đã có mặt trên đời ít nhất từ năm 2017. Theo đó, ngày 23/11/2017, báo Lao Động đã có bài “Lung linh ga tàu thủy hiện đại ngay trung tâm Sài Gòn”.

Trên trang web của Công ty Sai Gon Waterbus, không chỉ có Ga Tàu Thủy Bạch Đằng, mà còn có Ga Tàu Thủy Bình An, Linh Đông, Thủ Thiêm, Hiệp Bình Chánh.

Tác giả mỉa mai kết luận, với những thông tin có hệ thống suốt 7 năm qua, thì từ “Ga Tàu Thủy” không thể là lỗi của thằng đánh máy, đích thị là sản phẩm của lãnh đạo ngành giao thông. Thật ra trí tuệ các ông này cao lắm, chuyện khó như thu phí đường bộ đổi thành thu giá để qua mặt Quốc Hội, các ông còn làm được, thì Ga Tàu Thủy chẳng là cái đinh rỉ gì.

Không chỉ vậy, tác giả còn phát hiện, ở hai mục BẾN và GA trong các bộ từ điển tiếng Việt đã cho kết quả hãi hùng. Theo đó, các từ BẾN và Ga được giải nghĩa theo cách mà người ta có cảm giác là chúng được dịch từ sách vở nước ngoài thành tiếng Việt, chứ không phải giải nghĩa từ tiếng Việt, của đời sống người Việt.

Tác giả tiếp tục kết luận, hoá ra, tác giả của cụm từ Ga Tàu Thủy phản cảm, tréo miệng, chói tai người Việt, không chỉ là những quan chức chân vịt bánh xe, mà còn có những viện sĩ của cái Viện lẫy lừng là lò ấp mỗi năm hàng ngàn tiến sĩ. Hơn ai hết, chính họ đã dùng hàng ngàn tỉ đồng ngân sách đầu tư nghiên cứu, để tù mù hóa, rối rắm hóa sự trong sáng của tiếng Việt.

 

Ý Nhi – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023