Chỉ thị 24 của Bộ Chính trị bị rò rỉ: Tổng Trọng không quan tâm đến lợi ích quốc gia?

Chỉ thị 24 của Bộ CT bị rò rỉ: Tổng Bạc không quan tâm đến lợi ích quốc gia?

Một chỉ thị mật của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam về vấn đề “an ninh quốc gia” vừa bị rò rỉ, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập quốc tế.

Giới quan sát đánh giá và lo ngại về khả năng Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang gia tăng đàn áp các cá nhân, tổ chức và hoạt động, bị cho là gây nguy hiểm cho sự lãnh đạo độc tôn và toàn trị của Đảng này.

Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) ngày 1/3, đưa tin, “Project 88 tố cáo Chỉ thị 24 của Bộ Chính trị Việt Nam vi phạm nhân quyền”. Bản tin cho biết, Chỉ thị 24-CT/TW của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, ban hành ngày 13/7/2023 bị tiết lộ.

Đáng chú ý, văn bản này được ký chỉ 2 tháng trước khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tới thăm Hà Nội chính thức vào trung tuần tháng 9/2023, và Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ.

Đây là một kế hoạch nhằm đối phó với thứ mà Đảng cho là “mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Việt Nam”. Qua đó, Đảng sẵn sàng vi phạm nhân quyền một cách có hệ thống.

Project88 cho biết, Chỉ thị 24 nhằm kiểm soát tính dân chủ đối với chính sách công và kinh tế, đồng thời củng cố chế độ độc đảng ở Việt Nam.

BBC Tiếng Việt cho hay, có tổng cộng 9 nội dung được đưa ra trong Chỉ thị số 24, để Đảng uỷ các cấp thực hiện, trong đó có 7 nội dung đáng chú ý là:

  1. Về xuất cảnh: Quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên, công dân Việt Nam ra nước ngoài công tác, học tập, trao đổi, tham quan, du lịch.
  2. Về dân chủ: Không để hình thành tổ chức chính trị đối lập trong nước.
  3. Về tuân thủ thỏa thuận quốc tế về quyền người lao động: Không để thành lập tổ chức của người lao động dưới hình thức dân tộc, tôn giáo; rà soát, xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với các tổ chức của người lao động thành lập và hoạt động không đúng pháp luật.
  4. Về hợp tác quốc tế: Đề cao cảnh giác, phòng ngừa các mối đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, cũng như lợi dụng để vận động, hình thành tổ chức chính trị đối lập, thúc đẩy “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố”.
  5. Về tài trợ quốc tế cho Việt Nam: Tăng cường quản lý việc tiếp nhận viện trợ từ nước ngoài, nhất là các dự án liên quan đến xây dựng chính sách, pháp luật. Không tiếp nhận tài trợ nước ngoài đối với các dự án xây dựng pháp luật có nội dung phức tạp, nhạy cảm.
  6. Về tự do ngôn luận: Phát huy vai trò của báo chí, truyền thông, đấu tranh với các trào lưu của chủ nghĩa dân túy, bất tuân dân sự, quan điểm sai trái, chống phá của các thế lực thù địch.
  7. Về quyền hội họp: Đấu tranh với mọi âm mưu, hoạt động của các thế lực thủ địch, phản động, đối tượng chống đối chính trị, các loại tội phạm, nhất là hoạt động cài cắm nội gián, kích động biều tình, bạo loạn…

Theo giới phân tích, đây là những bằng chứng cho thấy, đã và đang xuất hiện một làn sóng đàn áp mới về vấn đề dân chủ, nhân quyền, theo xu hướng của các quốc gia dân chủ phương Tây, vốn bị Đảng coi là mối “nguy hiểm tiềm ẩn đối với an ninh chính trị ở Việt Nam”?

Trong nhiều năm, Mỹ và các quốc gia phương Tây luôn cho rằng, tăng cường mối quan hệ với Việt Nam sẽ giúp thúc đẩy nhân quyền. Thế nhưng, Chỉ thị 24 đã đặt dấu chấm hết cho quan điểm này, và đây là những nỗ lực “chấm dứt các ảnh hưởng của nước ngoài trong việc thúc đẩy xã hội dân sự và các nhóm chính trị đối lập trong nước”.

Về mặt bản chất, chính sách này nhằm mục đích củng cố chế độ độc đảng và ngăn cấm người dân tham gia hội họp, lập hội, biểu tình… Quan trọng hơn là ngăn chặn tài trợ quốc tế cho các dự án của các tổ chức xã hội dân sự, và nếu được thực hiện, chỉ thị này sẽ giết chết các tổ chức xã hội dân sự.

Tuy nhiên, Giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc cho rằng, chỉ thị này không báo hiệu một làn sóng đàn áp mới đối với các nhà hoạt động xã hội dân sự và dân chủ, mà chỉ là một hoạt động bình thường. Tức là, tiếp tục đàn áp bất kỳ hoạt động của các nhóm vận động, xã hội dân sự và các nhà hoạt động dân chủ, thách thức quyền lực tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đáng chú ý, theo ông Carl Thayer, thỏa thuận đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ được ký bởi Tổng Bí thư Trọng, chứ không phải Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Cũng như, Chỉ thị 24 được ký bởi bà Trương Thị Mai – Thường trực Ban Bí thư.

Điều đó cho thấy, Chỉ thị 24 là phản ứng của Đảng đối với các quan chức và Chính phủ. Có thể do các quan chức này phản đối hoặc quá dè dặt trong việc nâng cấp quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, cũng như với các nền kinh tế lớn khác lên tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Tóm lại, theo BBC, Giáo sư Carl Thayer cho rằng, phản ứng của họ là tăng cường giám sát, quản lý và đàn áp tất cả những hoạt động mà họ cho là đi ngược lại lợi ích của Đảng Cộng sản Việt Nam./.

 

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023