Chủ trương “trọng cấp cao, khinh cấp thấp” trong xử lý kỷ luật là của ai?

Chủ trương “trọng cấp cao, khinh cấp thấp” trong nội bộ đảng là của ai?

Việc áp dụng “tiêu chuẩn kép” trong xét xử các vụ án ở Việt Nam là điều hết sức phổ biến. Điều này đã và đang tạo ra những tiền lệ nguy hiểm, về việc thực thi pháp luật không công bằng và bình đẳng.

Thay vì xử lý nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật, thì các cơ quan tư pháp có nhiều dấu hiệu cho thấy, họ tìm mọi cách để giảm nhẹ tội cho các quan chức tham nhũng là lãnh đạo cấp cao. Ngược lại, với dân thường và lãnh đạo cấp thấp, thì lại áp dụng những điều luật khắt khe.

Báo Tiền Phong ngày 6/3 đưa tin, “Tham ô tiền mua quà Tết cho công nhân, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương lĩnh 66 tháng tù”. Bản tin cho biết, ngày 6/3, Tòa án Nhân dân tỉnh Hải Dương đã xét xử sơ thẩm vụ án “Tham ô tài sản”, xảy ra tại Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương.

Hội đồng Xét xử đã tuyên phạt bị cáo Mai Xuân Anh – cựu Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương, 5 năm, 6 tháng tù giam; Phạm Thị Nhung – Trưởng ban Chính sách Pháp luật thuộc Liên đoàn Lao động Hải Dương, 4 năm tù; và Phạm Dũng – Phó ban Chính sách Pháp luật, 3 năm tù, nhưng cho hưởng án treo.

Các bị cáo này đều bị truy tố về tội danh “tham ô”, khi nâng khống giá để nhận chiết khấu hơn 220 triệu đồng, từ việc mua quà Tết cho công nhân và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid.19, năm 2021. Sau khi vụ việc bị phát giác, các bị cáo và những người liên quan, đã nộp lại số tiền hơn 220 triệu đồng nói trên.

Công luận liên hệ đến phiên toà xét xử đại án Việt Á vào trung tuần tháng 1/2024, báo Pháp Luật thành phố đưa tin, “Cựu Bí thư Hải Dương Phạm Xuân Thăng bị phạt 5 năm tù”.

Theo đó, Hội đồng Xét xử của Tòa án Nhân dân Hà Nội xác định, cựu Bí thư Hải Dương Phạm Xuân Thăng đã ra chủ trương, can thiệp và chỉ đạo trái pháp luật, giúp Công ty Việt Á tiêu thụ test xét nghiệm trên địa bàn tỉnh này.

Theo Cáo trạng, hành vi của ông Phạm Xuân Thăng đã tạo điều kiện cho Công ty Việt Á thu lời bất chính, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 73 tỉ đồng. Bản thân ông Thăng đã nhận hơn 4 tỉ đồng từ Việt Á”.

Tại phiên tòa, ông Phạm Xuân Thăng đã thừa nhận những sai phạm như cáo trạng truy tố. Theo đó, ông được Phan Quốc Việt, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á “cảm ơn” 100.000 USD, sau Tết Nguyên đán năm 2021. Ngoài ra, ông Thăng cũng thừa nhận, ông được cựu Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến đưa hối lộ 3 lần, với tổng số tiền là 600 triệu đồng và 50.000 USD.

Đại án Việt Á là một vụ tham nhũng, tiêu cực, liên quan đến lĩnh vực y tế, lớn nhất từ trước tới nay ở Việt Nam. Công luận thấy rằng, vụ án này có thể cấu thành hành vi “diệt chủng” có tổ chức, làm cho hơn 43 ngàn người Việt phải chết oan ức. Vụ án còn trầm trọng hơn bởi sự vô trách nhiệm của nhà nước Việt Nam, sự nhẫn tâm và tham lam vô độ của quan chức, trong quá trình xử lý đại dịch Covid.19, giai đoạn từ 2019 đến 2021.

So sánh 2 vụ án vừa kể, cùng xảy ra trên địa bàn của tỉnh Hải Dương, nhưng với các phán quyết “một trời một vực” của các toàn án, đã cho thấy, rõ ràng có việc áp dụng “tiêu chuẩn kép”.

Một bên là một vụ án nhỏ, trục lợi 220 triệu đồng do nâng khống giá gói hàng Tết của người lao động, bị cáo Mai Xuân Anh – cựu Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương, phải nhận bản án 5 năm 6 tháng tù giam. Trong khi đó, bên kia là vụ đại án với hậu quả rất nghiêm trọng, vì ảnh hưởng đến tính mạng người dân. Đồng thời, cựu Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Xuân Thăng nhận hối lộ đến hơn 4 tỉ đồng từ Công ty Việt Á, và gây thiệt hại ngân sách Nhà nước hơn 73 tỉ đồng, nhưng lại chỉ bị phạt 5 năm tù.

Công luận cho rằng, đây là một sự bất bình đẳng, vận dụng luật pháp hoàn toàn vô lý theo tiêu chuẩn kép, là điều không thể chấp nhận được. Theo định nghĩa, “tiêu chuẩn kép” trong lĩnh vực tư pháp, có nghĩa là: “hai vụ việc giống nhau được xử lý bằng các tiêu chuẩn khác nhau”.

Điều 16 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 sửa đổi, đã hiến định rõ ràng: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.”.

Xin nhắc lại, nói về sự phức tạp của hệ thống pháp luật Việt Nam, Luật sư Ngô Bá Thành sinh thời có một câu nói nổi tiếng tại Nghị trường Quốc Hội rằng, ở Việt Nam có một rừng luật, nhưng khi xét xử lại dùng luật rừng./.

 

Trà My – Thoibao.de