Việt Nam có thể thành công trong việc vừa trấn an Trung Quốc, vừa vận động Mỹ hay không?

Ngày 12/4, Diễn đàn VOA Tiếng Việt có bài “Bang giao Việt – Trung: “Có tích mới dịch nên tuồng”’ của tác giả Đinh Hoàng Thắng.

Tác giả mỉa mai, chưa đầy một tháng mà có nhiều đoàn cấp cao từ Hà Nội lần lượt thăm Trung Quốc thì quả thật “chẳng tích… cũng dịch thành tuồng”.

Tác giả nhắc đến việc ông Tập kêu gọi Hà Nội sử dụng “minh triết chính trị”, trong việc quản lý các mối quan hệ với Bắc Kinh, giữa lúc hai bên đang tìm cách hóa giải căng thẳng trên Biển Đông.

Khái niệm “minh triết chính trị” xuất hiện gần đây từ một khảo cứu về chính sách đối ngoại Trung Quốc, trong kỷ nguyên chuyển đổi từ “cường quốc khu vực” thành “cường quốc toàn cầu”.

Với Chủ tịch Vương Đình Huệ, ông Tập khu biệt “minh triết chính trị” vào mối bang giao song phương, mà theo ông, đó là quan hệ “vừa là đồng chí, vừa là anh em”.

Tuy nhiên, tác giả cho hay, cho đến nay, trên truyền thông chính thống của Việt Nam độc giả không thể nào tìm thấy các “chỉ dụ” thượng dẫn của Tập Chủ tịch về “minh triết chính trị”, về “hệ thống Xã hội Chủ nghĩa”, cũng như về “sự nghiệp Xã hội Chủ nghĩa toàn cầu”, mà hai Đảng và hai nước cần đóng góp.

Trước đó, theo tác giả, báo chí Việt Nam cũng từng “đánh bài lờ” các thâm ý mà Ngoại trưởng Vương Nghị “truyền đạt” cho Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn và Trưởng ban Đối ngoại Lê Hoài Trung, rằng Việt Nam “cần cảnh giác trước các âm mưu “kết bè kéo cánh” và không nên tham gia “các khối” để chống lại nước khác trong khu vực.

Tác giả dẫn giới quan sát, theo đó, Vương Đình Huệ nay là con bài cuối cùng của ông Nguyễn Phú Trọng, đang đứng trước nguy cơ bị loại bỏ bởi cuộc đấu đá cung đình. Vậy nên, với chuyến thăm Bắc Kinh lần này, không loại trừ còn là dịp để ông Huệ “thề non hẹn biển” với họ Tập, ngõ hầu tìm kiếm thêm sự bảo đảm để con đường tiến lên vị trí cao hơn của ông, trên các nấc thang quyền lực ở Ba Đình được hanh thông.

Tác giả nhận xét, sự nhộn nhịp khác thường của bang giao Việt – Trung những ngày này khó qua mặt giới quan sát.

Một ấn bản uy tín hàng đầu ở Mỹ về chính trị quốc tế, mới đây đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ xuất hiện tập hợp các quốc gia chuyên quyền, như là “một dạng liên kết mới, không giống với hệ thống đồng minh của Mỹ nhưng vẫn hết sức nguy hiểm”. 

Việc điểm danh hàng loạt các loại liên minh này cung cấp một cái nhìn toàn cảnh hơn về những gì thực sự đang diễn ra, dưới hình thái “móc nối” giữa một số nước trong thế giới hỗn mang hiện nay. Sự kết hợp này mang nhiều sắc thái và khá đậm đặc. Đối tác Trung – Nga ngày càng đi vào chiều sâu, với nhiều tham vọng trên lục địa Á – Âu. Quan hệ Nga với Bình Nhưỡng và Tehran vốn là chuỗi viện trợ có tầm ảnh hưởng dài lâu. Trung Quốc xích lại gần Iran hơn để bổ sung cho liên minh hàng thập kỷ qua với Bắc Triều. Nhiều năm, Bình Nhưỡng và Tehran cùng hợp tác để chế tạo tên lửa…

Theo tác giả, chưa rõ, lời cảnh báo sắc lẹm trên có hàm ý gì, liên quan đến các chuyển động cấp tập gần đây giữa Việt Nam với Trung Quốc? Bởi vì, trước đó một tháng, tờ Washington Post ngày 6/3 cũng có bài bình luận “chát chúa” cho rằng, Việt Nam đánh lừa Hoa Kỳ khi ban hành “Chỉ thị mật 24” (tháng 7/2023), chủ trương tiếp tục đàn áp xã hội dân sự và hạn chế mọi quyền tự do, dân chủ và nhân quyền, đúng 2 tháng trước khi đón Tổng thống Biden sang Hà Nội.

Trên thực tế, vẫn theo tác giả, mặc cảnh báo từ Trung Quốc về việc Việt Nam không được “kết bè, kéo cánh”, Hà Nội vẫn chủ động gia tăng số thành viên trong hệ thống đối tác chiến lược toàn diện, Chính phủ Việt Nam vẫn dành cho Mỹ và phương Tây một số đặc quyền về đất hiếm, khí đốt, đường sắt Bắc Nam…

Ngược lại, vì lý do chiến lược nhằm “be bờ” Trung Quốc, Mỹ và phương Tây cần thỏa hiệp với Việt Nam.

Tác giả bình luận, nhưng dù sao, chính sách “hòa Trung, thân Mỹ” vẫn còn đối mặt với một giai đoạn thử thách cam go. Liệu Đảng Cộng sản Việt Nam có thể làm Trung Quốc yên lòng, khi giải thích rằng, hệ thống các đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam vẫn “tụt hậu” sau Trung Quốc hàng chục năm.

Ngược lại, trong quan hệ đối với Hoa Kỳ, hãy chờ đến tháng 7/2024 này, nếu Hoa Kỳ không công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, và hàng hóa của Hà Nội xuất sang Mỹ vẫn bị “săm bờ soi” để chịu đánh thuế cao, thì “bốn không một tùy” chưa thật hiệu quả. “Ngoại giao cây tre” lại đứng trước viễn cảnh mới bấp bênh, khi mà chính giới chuyên gia quốc tế cũng đánh giá, “măng tre” vốn là món khoái khẩu nhất của “Gấu trúc”.

 

Xuân Hưng – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023