Ông Trọng nên làm gì đó để lưu lại chút tiếng thơm cuối đời

Ngày 27/4, báo Tiếng Dân có bài “Nguyễn Phú Trọng, người cô đơn trên đỉnh cao quyền lực” của tác giả Thu Hà.

Tác giả cho rằng, ngai vàng, quyền lực, vàng son, nhung lụa, chưa chắc làm cho người ta hạnh phúc. Trong giấc mơ, dù là lãnh tụ tối cao hay dân cày, niềm vui và nỗi buồn gặp phải, tất cả đều giống nhau.

Theo tác giả, cuộc đời ông Trọng kiên định theo đuổi Chủ nghĩa Mác – Lenin đến mê muội, cũng như giấc mơ vô định về “thiên đường Xã hội Chủ nghĩa”.

Tháng 1/2016, Nguyễn Phú Trọng loại được Nguyễn Tấn Dũng, để ung dung ngồi ghế Tổng Bí thư nhiệm kỳ 2. Từ đó, ông Trọng biến các cơ quan của Đảng, như Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và Ban Nội chính, trở thành công cụ chính trong chiến dịch “đốt lò”, chống tham nhũng.

Tác giả mỉa mai, cả hệ thống chính trị “lên đồng”, tung hô ông là “người đốt lò vĩ đại”.

Có gì đó sai khi đi dạy nhân cách lẫn tư tưởng cho những kẻ 30 đến 40 năm tuổi Đảng. Càng sai hơn, khi đem nhà tù ra dọa, nhưng cho phép án tù tỷ lệ nghịch với số tiền mà quan tham nôn ra.

Tác giả châm biếm, Nguyễn Phú Trọng “say máu”, hả hê trong chiến thắng, cho xuất bản sách “Kim chỉ nam” của ông và nhặt “củi” ném “vào lò”. Ông quên mất rằng, những cao thủ chính trị vẫn miệt mài trong bóng đêm, chờ cơ hội phản công.

Tác giả nhận xét, ông Trọng không có “đồ đệ chân truyền”. Sở dĩ 2 nhân vật Vương Đình Huệ và Võ Văn Thưởng được ông nâng đỡ và dìu dắt, chẳng qua, ông nhìn thấy ở họ có “tố chất Cộng sản” hơn những kẻ khác mà thôi.

Huệ và Thưởng kiên định Chủ nghĩa Mác- Lenin, có trình độ học vấn, trình độ lý luận rõ ràng, chắc chắn hơn các đồng chí “chuyên tu – tại chức”. Huệ và Thưởng cũng có bộ dạng sáng sủa, ăn nói lưu loát, và nhất là một lòng theo ông Trọng.

Tác giả đánh giá, ông Trọng “đốt lò” giỏi, lý luận hay, nhưng “chơi cờ” trong bàn cờ chính trị rất dở. Ông hoàn toàn có thể chuẩn bị người kế nhiệm và chọn thời điểm thích hợp để ra đi trong thế ngẩng cao đầu, nhưng ông đã không làm.

Nhiều chính trị gia lão thành đã cảnh báo, việc ông Trọng không quy hoạch, sắp xếp nhanh người kế vị, là sai lầm chết người. Tình huống này có thể dẫn đến tình trạng tranh giành quyền lực một mất một còn, ảnh hưởng đến sự ổn định chính trị của đất nước.

Tác giả bình luận, cú “ngã ngựa” của Thưởng và Huệ đau hơn của 3 Uỷ viên Bộ Chính trị khác trong khóa 13, như Phạm Bình Minh, Nguyễn Xuân Phúc, Trần Tuấn Anh rất nhiều. Cả Thưởng và Huệ đều bị bêu réo trên báo Đảng là “vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm” và “đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân”.

Hai cánh tay đắc lực luôn xuất hiện cặp kè bên Nguyễn Phú Trọng, đã bị hạ gục. Những thuộc hạ một thời mà ông Trọng tự hào là “đội ngũ trẻ trung, ưu tú của Đảng” đã rơi rụng gần hết. Ông Trọng giờ xem như đang cô đơn trên đỉnh cao quyền lực.

Tác giả nhắc lại, hơn 30 năm trước, ông Trần Xuân Bách, Ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Ban Bí thư khoá 6, đã đưa vấn đề “đa nguyên, đa đảng” ra trước Trung ương.

Tướng Trần Độ, Ủy viên Trung ương khóa 6, Phó Chủ tịch Quốc hội khoá 7, cũng tuyên bố: “Đảng Cộng sản phải tự mình từ bỏ chế độ độc đảng, toàn trị, khôi phục vai trò, vị trí vốn có của Quốc hội, Chính phủ.”

Tác giả cho rằng, để cứu vãn, ông Trọng nên làm điều gì đó như các bậc tiền bối trên đã làm. Ít ra, họ cũng để lại chút tiếng thơm, lưu tên trong lịch sử như những người Cộng sản chân chính. Nếu không, ông Trọng chỉ để lại “ngàn năm bia miệng”, qua hình ảnh đi vào thiên thu với sợi xích Huân chương Hữu nghị mà họ Tập đã treo trên cổ ông, trong chuyến đi “khấu đầu” hồi tháng 10/2022!

 

Ý Nhi – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023