Trò chơi Vương quyền ở Việt Nam đang tăng tốc

Ngày 3/5, VOA Tiếng Việt có bài ‘“Trò chơi Vương quyền”: Việc bãi nhiệm Vương Đình Huệ và chính trường Việt Nam trong con mắt quốc tế”.

Theo đó, sự ra đi của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, người thứ 3 trong “Tứ trụ” Việt Nam phải từ chức giữa nhiệm kỳ chỉ trong hơn 1 năm, đang cho thấy sự khủng hoảng về người kế nhiệm lãnh đạo Đảng, và phản ánh sự leo thang đáng báo động của chủ nghĩa thân hữu, cũng như đấu đá nội bộ trong Đảng, theo nhận định của giới quan sát và truyền thông quốc tế.

VOA dẫn bài viết của nhà nghiên cứu cấp cao về Đông Nam Á tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế, Joshua Kurlantzick, trên trang web của Viện nghiên cứu có trụ sở ở New York này. Theo ông Joshua Kurlantzick:

“Trong nhiều năm nay, nền chính trị ưu tú của Việt Nam, từng mờ án, khó hiểu đối với hầu hết người ngoài, và dường như thống nhất trong một loại chế độ chuyên chế khá thành công (về mặt duy trì sự cai trị độc tài đồng thời đạt được sự phát triển kinh tế), đã bị đảo lộn.”

Sự ổn định chính trị đó dường như đang sụp đổ khá nhanh chóng ở Việt Nam, theo ông Kurlantzick. Ông nhận định, chưa rõ, liệu đây có phải là nỗ lực chống tham nhũng hiệu quả, hay là việc có quá nhiều lãnh đạo cấp cao nói chung tham nhũng, đến mức, các phe phái phải dùng chiến dịch chống tham nhũng để loại bỏ kẻ thù của mình.

Đồng quan điểm, VOA dẫn ý kiến của nhà nghiên cứu Huỳnh Tâm Sáng thuộc Quỹ Đài Loan NextGen, đồng thời là giảng viên Đại học Quốc gia Việt Nam, cho rằng:

“Những vụ bê bối tham nhũng và những vụ từ chức theo sau chỉ là phần nổi của tảng băng chìm khi xét đến những gì đang diễn ra ở Việt Nam.”

“Thứ nhất, các quan chức Đảng và nhà nước bị sa thải thường có quan hệ mật thiết với nạn tham nhũng và hành vi sai trái của cấp dưới. Thứ hai, những cuộc thanh trừng này có mối liên hệ mật thiết với chủ nghĩa thân hữu về kinh tế: Một hệ thống trong đó chính trị và kinh tế gắn bó với nhau, dẫn đến sự lạm dụng quyền lực của các quan chức Đảng và Chính phủ.”

Ông Sáng cho rằng, bầu không khí chính trị của Việt Nam “trở nên u ám hơn do sự sụp đổ gần đây của ông Thưởng và ông Huệ”“điều này đặt ra một câu hỏi không thể tránh khỏi: Ai sẽ bị ném vào lò tiếp theo?”

Theo ông Sáng, khủng hoảng lãnh đạo ở Việt Nam có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân gốc rễ “có lẽ là nạn tham nhũng trắng trợn và xung đột phe phái trong nội bộ Đảng Cộng sản”.

“Sự thống trị, thỏa hiệp, đồng thuận và thậm chí cả cạnh tranh, tất cả đều diễn ra sau những cánh cửa đóng kín, chắc chắn sẽ đặc biệt gay gắt, vì cuộc đua giành các vị trí hàng đầu trước Đại hội Đảng tiếp theo vào đầu năm 2026 đã bắt đầu.”

VOA dẫn một bài viết trên X của Giáo sư Alexander Vuving, thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á – Thái Bình Dương Daniel K. Inouye, rằng “trò chơi vương quyền của Việt Nam đang tăng tốc.”

Còn theo nhà nghiên cứu Kurlantzick, sự sụp đổ của ông Huệ càng làm phức tạp thêm cơ cấu quyền lực trong tương lai của chính trường Việt Nam.

“Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đương nhiệm của Đảng, đã củng cố được quyền lực lớn, vô hiệu hóa phần lớn phong cách lãnh đạo theo kiểu đồng thuận trước đây. Nhưng ông đã lớn tuổi và thường trông yếu ớt khi xuất hiện trước công chúng,” ông Kurlantzick nhận định.

Vẫn theo nhà nghiên cứu Kurlantzick, Việt Nam từng là “bậc thầy” trong việc lập kế hoạch chuyển giao lãnh đạo, thì giờ đây, dường như không có kế hoạch rõ ràng sau khi ông Trọng ra đi.

VOA cho biết, ông Nguyễn Khắc Giang – nhà phân tích tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak của Singapore, nhận định với truyền thông quốc tế rằng, “sự sụp đổ của ông (Huệ) sẽ chỉ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng người kế nhiệm ở Việt Nam.”

 

Hoàng Anh – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023