Vì sao tự do báo chí ở Việt Nam thường xuyên gần đội sổ thế giới?

Chính quyền độc đảng ở Việt Nam thường tự hào có nền báo chí phát triển mạnh mẽ, với hơn 800 cơ quan báo chí các loại, để phục vụ người dân. Tuy nhiên, công luận thấy rằng, với một hệ thống báo chí đồ sộ như vậy, nhưng lại chỉ có một Tổng biên tập duy nhất. Điều này cho thấy, Việt Nam không có tự do báo chí.

Ngày 3/5, nhân ngày Tự do Báo chí Thế giới, Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) đã công bố một phúc trình về xếp hạng tự do báo chí. Theo đó, RSF xếp Việt Nam thứ 174 trên tổng số 180 quốc gia. RFS cho biết, nhà nước Cộng sản Việt Nam đã “cầm tù nhà báo có hệ thống”. Điều này đã khiến Việt Nam nằm trong nhóm nước có nền báo chí “tồi tệ” nhất thế giới.

Ngoài ra, phúc trình trên còn nhận định rằng, bên cạnh việc bắt bớ, bỏ tù các nhà báo độc lập, nhà nước Việt Nam còn “chống lưng” cho các hội nhóm “Dư luận viên”, chuyên tung tin giả. Đó cũng là một lý do khiến nền báo chí Việt Nam tồi tệ, và luôn ổn định đứng cuối trong các bảng đánh giá về tự do báo chí.

Theo bảng xếp hạng của tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF), Việt Nam xếp sau Trung Quốc (hạng 172), Miến Điện ( hạng 171), và chỉ hơn 6 quốc gia độc đoán, “đội sổ”, bao gồm Turkmenistan, Iran, Bắc Hàn, Afghanistan, Syria và Eritrea.

Đáng chú ý, trong phần mô tả về hệ thống báo chí toàn trị ở Việt Nam, RSF khẳng định: “Các phương tiện truyền thông ở Việt Nam bị kiểm soát chặt chẽ bởi độc đảng. Các phóng viên tự do và giới blogger thường xuyên bị bắt, bỏ tù, khiến Việt Nam trở thành quốc gia giam giữ số lượng các nhà báo lớn thứ 3 trên thế giới.”

Vẫn theo RSF, chính quyền Việt Nam còn tăng cường kiểm soát mạng xã hội và internet, hạn chế quyền truy cập, chặn tài khoản, và ngăn chặn các tin nhắn qua mạng xã hội.

RSF cáo buộc, quyền tự do báo chí được quy định rõ tại Điều 19 của Hiến pháp Việt Nam năm 2013, sửa đổi năm 2017. Tuy nhiên, nhà cầm quyền Việt Nam đã tạo ra hàng loạt các luật, hay văn bản dưới luật, để có thể cho phép họ có thể bỏ tù bất kỳ người nào, nếu người đó đưa ra các thông bất lợi cho chính quyền.

Nhà nước Cộng sản Việt Nam sẵn sàng kết tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”, hay “tuyên truyền chống nhà nước”, hoặc “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ”, với các bản án khắc nghiệt có thể lên tới đến 20 năm tù.

Đáng chú ý, bản phúc trình này viết:

“Các biện pháp trấn áp đang gia tăng, nhắm vào các nhà báo tự do, trong lúc, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng ngày càng áp đặt đường lối bảo thủ hơn, kể từ năm 2016.”

Đồng thời, RSF cũng tố cáo bộ máy Công an Việt Nam đàn áp báo chí độc lập, như hệ thống xã hội dân sự độc lập, như nhóm “Báo Sạch” và Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam.

Hiện nay, có khoảng 40 nhà báo tự do đang bị cầm tù ở Việt Nam. Kể cả trường hợp nhà báo nữ Phạm Đoan Trang – người được trao giải “Tự Do Báo Chí” năm 2019 của tổ chức này, đang thụ bản án 9 năm tù.

Được biết, vào năm 2023, sau khi Việt Nam bị RSF xếp hạng gần đội sổ – 178/180 – về tự do báo chí, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối, và cho rằng:

“Bảng xếp hạng thường niên về tự do báo chí năm 2023 của RSF là một sự đánh giá thiếu khách quan, sai thực tế, và mang tính quy chụp về tình hình tự do báo chí tại Việt Nam.”

Giới hoạt động người Việt ở trong và ngoài nước, những người tranh đấu cho tự do báo chí Việt Nam, đã bày tỏ sự đồng tình với xếp hạng của RSF. Họ cho rằng, RFS đã đánh giá đúng mức và trung thực. Bởi hầu như, báo chí của Việt Nam đều bị Đảng và nhà nước kiểm duyệt. Việc các tờ báo do nhà nước kiểm soát, thường xuyên gỡ các bản tin có nội dung “nhạy cảm” hay “không phù hợp” với Đảng, đã chứng minh điêu đó./.

 

Trà My – Thoibao.de