Sống dưới chế độ Cộng sản, bị tước đoạt tất cả các quyền về dân sự và chính trị, người Việt hình thành thói quen bàng quang đối với những diễn biến chính trị. Người Việt thường tặc lưỡi, kệ đi, ông nào lên, bà nào xuống cũng chẳng ảnh hưởng gì, chẳng liên quan đến nồi cơm nhà mình!
Đa số theo dõi chính trị chỉ vì tò mò, xem trò đấu đá cung đình như kép hát cải lương, vỗ tay hả hê khi quan chức rớt đài chỉ vì ghét. Thế thôi!
Nhưng, vào thời điểm mà vở diễn của gánh hát cung đình bị đẩy lên cao trào, thì có thể dẫn đến những biến chuyển không ngờ.
Khi mà Đảng liên tục đá văng hàng loạt lãnh đạo, cả những chính trị gia được coi là kỹ trị, lẫn những ông bà ăm ắp một bụng Marx-Le, khiến dân tình tròn mắt, quốc tế giật mình, thì nhiều người bắt đầu tính chuyện thoát thân.
Những người nhanh chân nhất có lẽ là những nhà đầu tư tài chính nước ngoài. Tương ứng với từng đợt rung chuyển ở thượng tầng chính trị, là sự rung lắc mạnh mẽ ở thị trường tài chính, tạo ra bởi sự tháo chạy của khối ngoại. Đài Á Châu Tự Do ngày 17/5 cho hay, khoảng 2 tỷ USD đã bị rút ra khỏi thị trường tài chính Việt Nam trong vài tháng qua, ứng với sự ngã ngựa của Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ, và mới nhất là Trương Thị Mai.
Điều này cho thấy, nhà đầu tư chẳng thèm tin vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Bởi Đảng vẫn trấn an họ, rằng, không sao đâu, rằng, thay đổi lãnh đạo không ảnh hưởng đường lối kinh tế và ngoại giao… bla… bla. Nhưng họ chả dại, chả thèm nghe… Họ đến đất nước này là để làm ăn, để kiếm tiền, chứ chả phải để học nghị quyết của Đảng!
Người có chút hiểu biết về quản trị nhà nước, đều biết rằng, kết quả vận hành một nền kinh tế, không thể bỏ qua vai trò cá nhân của người lãnh đạo. Như nước Mỹ, dù Dân chủ hay Cộng hoà thì vẫn luôn kiên định lập trường, đường lối của mỗi đảng, nhưng rõ ràng, mỗi vị tổng thống đều để lại những dấu ấn riêng.
Hơn nữa, thế giới phương Tây phát triển trên nền tảng dân chủ, họ chả ưa gì mấy anh đầy bụng lý luận Marx-Le, họ lại càng ngao ngán hơn với mấy anh đi lên từ lực lượng vũ trang, tư duy vốn chỉ gói gọn trong việc ra lệnh cho cấp dưới và nghe mệnh lệnh cấp trên. Bởi đa số những người này chẳng hiểu gì về kinh tế thị trường, ngu ngơ về luật pháp quốc tế, dốt đặc về quản trị… dù cái miệng họ vẫn ra rả những điều đó.
Vậy mà, ngao ngán thay! Cuộc nội đấu cung đình đem lại kết quả, có đến 7/16 thành viên Bộ Chính trị xuất thân từ các lực lượng vũ trang, bao gồm quân đội và công an; có 8/16 thành viên của Ban Bí thư, nghĩa là những người thuộc tổ chức Đảng; số còn lại cũng đi lên từ con đường Đảng – Đoàn hoặc lý luận chính trị… Có thể nói, chẳng còn lại nhà kỹ trị nào, kể cả Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Điều này có thể đem lại những hệ quả tệ hại cho nền kinh tế Việt Nam, không chỉ ở ngắn hạn trong việc thị trường chứng khoán bị rút vốn. Mà rồi sẽ có những tác động dài hạn, đối với khu vực FDI.
Một công ty nước ngoài khi đầu tư một nhà máy sản xuất, không nhanh gọn như đầu tư tài chính, cũng không bộp chộp như Vượng Vin, mà thường phải qua quá trình điều nghiên, phân tích kỹ lưỡng trong nhiều năm, trước khi quyết định.
Tuy nhiên, khi có biến động chính trị, khi mà hệ thống bị người Việt gọi là “hành dân là chính” trở nên tê liệt, khi hôm nay nhà đầu tư ký kết với anh này, ngày mai lại phải làm việc với anh khác, khiến họ ngán ngẩm bất an, thì họ cũng sẽ thoái vốn bỏ đi.
Do đó, những điều tồi tệ hơn còn nằm ở phía trước!
Hơn 2 năm qua, khi gánh hát cung đình càng ngày càng diễn lố, thì nền kinh tế cũng theo đó mà càng ngày càng trượt dài. Và khi vốn FDI bị rút hết, khi hàng hoá xuất khẩu càng bị siết chặt, thì mọi sự khốn khổ, cùng cực hơn nữa, lại tiếp tục đổ ụp xuống đầu dân!
Hiện nay, Ban lãnh đạo Đảng khá tự tin về việc Mỹ và phương Tây cần Việt Nam để làm đối trọng với Trung Quốc. Có lẽ, họ cho rằng, phương Tây vẫn mãi chiều chuộng họ, dù họ có như thế nào. Vì vậy, dù chẳng đáp ứng được bất kỳ điều nào trong 6 yêu cầu của kinh tế thị trường theo luật Mỹ, nhưng họ vẫn kèo nèo đòi Mỹ phải công nhận cho họ, như đứa trẻ hư liên tục phạm lỗi, nhưng vẫn cứ vòi quà.
Có lẽ, Đảng cũng chẳng coi luật Mỹ ra gì, như họ từng nhiều lần chà đạp lên các công ước quốc tế, các hiệp định đa phương, song phương, ngay sau khi họ vừa ký kết, còn chưa ráo mực.
Tuy nhiên, mọi chuyện đều có giới hạn của nó. Ông bà ta có câu: “Già néo đứt dây”. Phương Tây sẽ không thể vì cần Việt Nam mà đạp lên các giá trị cốt lõi của họ.
Chúc Anh – thoibao.de