Không thể để Bộ Chính trị thành con tin của Công an

Ngày 27/5, nhà báo Trương Huy San, tức Huy Đức, đã viết trên trang Facebook cá nhân rằng “Một quốc gia không thể phát triển dựa trên sự sợ hãi”.

Thoibao.de trích giới thiệu bài viết này đến quý khán thính giả, nội dung như sau:

“Xem phim chưởng, thì một đôi đũa, một lá bài, trong tay cao thủ cũng có thể trở thành vũ khí. Nếu tư duy “quy đồng” [mọi người là tội phạm], thì có lẽ, có ngày chúng ta phải ăn bốc, vì đũa là vũ khí nguy hiểm” – một giáo sư luật nói khi theo dõi những sửa đổi trong “Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ”.

Theo Giáo sư: Cách quản lý hiệu quả và văn minh là quản lý hành vi sử dụng, gắn liền bối cảnh không gian, ví dụ như [mang những công cụ ấy đến] bến xe, ga tàu…

Rất đồng tình với Giáo sư, nhưng tôi không chỉ tiếp cận vấn đề ở góc độ pháp lý, tôi suy nghĩ rất nhiều ở khía cạnh an ninh của người dân. Nếu định nghĩa như dự thảo, thì gia đình nào của Việt Nam, đặc biệt là nông dân, mà không có ít nhất một công cụ “thuộc danh mục vũ khí thô sơ do Bộ trưởng Bộ Công an quy định”.

Vài tuần trước, một vị lãnh đạo lão thành của ngành công an cũng đã rất ngạc nhiên khi thấy báo đài đưa tin “Thanh tra Bộ Công an thanh tra tại Ngân hàng Nhà nước”. Và ông được một vị tướng về hưu giải thích, đây là “thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước và an ninh mạng”.

Khi Luật An Ninh Mạng đang được thảo luận, một số đại biểu và chuyên gia pháp lý đã nhìn thấy tình huống này [công an có thể “vào” trong nhiều ngành]; dù, bằng tư duy quản trị quốc gia thông thường, và hiểu biết của một người từng lãnh đạo ngành, không ai hình dung, công an có thêm chức năng ấy.

Chúng tôi hiểu những khó khăn của các đại biểu Quốc hội khi phản biện những chính sách, những luật do Bộ Công an trình. Ngay cả chúng tôi, khi lên tiếng góp ý cho những chính sách của ngành công an, cũng thường nhận được khá nhiều khuyến cáo. Nhưng, “Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách”.

Việt Nam đang duy trì một thể chế tương đồng với Trung Quốc. Việt Nam nên học Trung Quốc ở những điều họ đúng: Bộ trưởng công an không phải là Uỷ viên Bộ Chính trị. Có lẽ, Đảng Cộng sản Trung Quốc coi công an là công cụ của Bộ Chính trị, chứ không để Bộ Chính trị trở thành con tin của Công an.

Bộ Công an cũng không nên cấu trúc như hiện nay, mà nên tách chức năng điều tra khỏi lực lượng cảnh sát.

Quốc hội nên giám sát, đánh giá chủ trương đưa công an chính quy về xã.

Thực tiễn nhiều năm qua cho thấy, không phải lực lượng công an đông mà đất nước an toàn hơn. Chưa bao giờ, tội phạm phát triển phức tạp như vừa qua, và nếu như lừa đảo trên mạng có yếu tố [mặt trái] của thời đại công nghệ, thì “cướp ngân hàng” là hiện tượng mà trước đây rất hiếm.

Tôi tin, nếu cắt giảm 2/3 và tăng lương lên gấp 3, không những an ninh sẽ được cải thiện, mà hình ảnh người công an trong mắt người dân cũng sẽ đẹp hơn.

Cơ chế quản lý, đặc biệt là quản lý đất đai, dự án của ta hiện nay, rất khó làm đúng. Rất ít ai ở trong hệ thống này đã từng ký tá, mà dám tin rằng, mình chưa làm gì sai. Hiện thực ấy, đã khiến cho chỉ có rất ít người đang vận hành hệ thống này, không phải sống trong sợ hãi. Không chỉ quan chức. Nên tránh những điều luật khiến cho gần như mọi gia đình, và phần lớn người dân, đều có thể vi phạm. Đừng để thường dân cũng phải luôn nơm nớp, bất an.

Không có quốc gia nào có thể phát triển bền vững dựa trên sự sợ hãi.

Tôi tin là giờ đây, Đại tướng Tô Lâm sẽ tư duy như một nguyên thủ, chứ không phải tư duy như một người nắm chắc Bộ Công an, đặt quyền lợi quốc gia lên trên lợi ích của ngành.

Sau những năm tháng ngao ngán chứng kiến quan tham “ăn không từ một cái gì”, háo hức chờ những vụ bắt bớ; giờ đây, cái đất nước cần là một giai đoạn thật sự thái bình. Cần những sửa đổi về thể chế, để sao cho, quan có thể tử tế khi còn tại chức, dân có thể ngủ ngon khi nói và làm những điều ngay thẳng.

 

Xuân Hưng – thoibao.de