4 lý do vì sao đa số lãnh đạo cấp cao “trở cờ” ngả theo Tô Đại, chống lại Tổng Trọng?

Cuộc chiến cung đình trong nội bộ Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam bất ngờ thay đổi cục diện. Chủ tịch Tô Lâm chiếm thế thượng phong, sau khi thành công đưa ông Lương Tam Quang – người chưa vào Bộ Chính trị, nhưng vẫn được Quốc hội ủng hộ với số phiếu tuyệt đối, để ngồi vào ghế Bộ trưởng Công an.

Trước đó ít lâu, giới quan sát cho rằng, ông Tô Lâm bị tập thể Bộ Chính trị ép buộc phải ngồi vào ghế Chủ tịch nước. Đồng thời, Tổng Trọng và phe cánh, bằng mọi cách, không để cho những nhân vật thân cận với cựu Bộ trưởng Bộ Công an lên ghế Bộ trưởng Bộ này. Với mục tiêu làm giảm quyền lực của ông Tô Lâm, khi phải ngồi trên chiếc “có tiếng nhưng không có quyền” – Chủ tịch nước.

Tuy nhiên, với sự vận động âm thầm, bí mật, và bền bỉ, cộng với sự tích lũy về thế và lực, sau 8 năm ngự trên ghế Bộ trưởng Bộ Công an, và cuối cùng, ông Tô Lâm đã thu được chiến quả như đã thấy. Thắng lợi của ông Tô Lâm xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng tựu chung có thể là:

1- Sau gần 3 nhiệm kỳ làm người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng đã thất bại, không chỉ trong cuộc chiến chống tham nhũng, mà trong cả công tác nhân sự. Việc chỉ hơn 3 năm đầu của nhiệm kỳ Đại hội 13, đã có trên 20 uỷ viên Trung ương Đảng bị xử lý kỷ luật và khởi tố hình sự, trong đó, có 6/18 uỷ viên Bộ Chính trị. Đặc biệt, có 4 nhân vật cấp cao nhất, gồm 3 “Tứ trụ” và 1 Thường trực Ban Bí thư, cũng phải khăn gói ra đi, cùng lý do liên quan đến tham nhũng.

2- Trong 13 năm trên cương vị Tổng Bí thư, ông Trọng đã tỏ ra là một người có tham vọng quyền lực quá lớn. Theo quy định của Điều lệ Đảng, “Tổng Bí thư không được phép ngồi quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp”. Nhưng ông Trọng vẫn đặt ra các biệt lệ, tự cho mình được hưởng “quyền đặc biệt”, để tiếp tục duy trì quyền lực một cách vô tổ chức và tùy tiện. Hơn nữa, nhiều dấu hiệu cho thấy, ông Trọng có ý định tạo ra tình thế, để ngồi lại nhiệm kỳ Tổng Bí thư lần thứ tư.

3- Ngoài ra, Tổng Trọng đã lợi dụng cái gọi là công cuộc “đốt lò”, để thanh trừng các đối thủ chính trị và phe nhóm chống đối. Đồng thời, ông cũng gây bè, kết cánh, để duy trì quyền lực, với phương châm “Tổng Bí thư phải là người Bắc, có lý luận” đã gây ra sự chia rẽ vùng miền sâu sắc.

Điển hình là phe Nghệ An và Hà Tĩnh, là bệ đỡ và là lực lượng ủng hộ tuyệt đối cho ông Trọng, đã được ưu ái quá lớn trong việc sắp xếp nhân sự lãnh đạo, với số lượng uỷ viên Trung ương, uỷ viên Bộ Chính trị nhiều đến mức đáng ngờ. Ngược lại, khi họ vi phạm kỷ luật hay vi phạm pháp luật, thì gần như được bỏ qua, không bị xử lý.

4- Sai lầm lớn nhất của Tổng Trọng là đã đặt niếm tin vào Bộ Công an, biến đội quân của Bộ trưởng Tô Lâm, kể từ sau Đại hội 12 (2016), từ lực lượng “thanh kiếm và lá chắn”, trở thành lực lượng “chỉ biết còn Đảng, còn mình”.

Để chống tham nhũng, Tổng Trọng đã phải dựa hẳn vào Bộ Công an, và ngày càng lệ thuộc hơn vào lực lượng này. Nhưng ngược lại, ông đã sao nhãng Quân đội. Điều đó đã giúp cho, chỉ vòng hơn 8 năm, Bộ Công an đã có sức mạnh được nhân lên gấp bội.

Với sự chống lưng từ Bắc Kinh, kể từ sau Đại hội 12, Tổng Trọng đã tạo cho mình quyền lực tuyệt đối, tới mức, “cho ai chết thì phải chết, không được phép bị thương”. Nhưng giới lãnh đạo cấp cao trong Đảng, đặc biệt là giới tướng lĩnh Quân đội, tuy ngoài mặt tỏ ra phục tùng, nhưng họ hoàn toàn không hài lòng về nhân cách và đạo đức của Tổng Bí thư. Và họ chờ đợi từ lâu sự “nổi loạn” của Bộ Công an, dưới sự dẫn dắt của nhạc trưởng Tô Lâm.

Ông Trọng đã phạm một sai lầm “chết người”, đó là, chọn phải một Bộ trưởng Công an đa mưu túc kế. Ông Tô Lâm đã khôn khéo chuẩn bị thế và lực, để “tiếm quyền” Tổng Bí thư, trong một “cuộc đảo chính không tiếng súng”, và đã thành công.

Sự hân hoan của Đại tướng – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, và hầu hết giới chức lãnh đạo cấp cao khác, trong buổi lễ nhậm chức Bộ trưởng Bộ Công an của Thượng tướng Lương Tam Quang, do Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì, đã thể hiện rõ những nhận định vừa kể.

Đây là hệ quả của tình trạng Tổng Trọng trong một thời gian dài bị đàn em ru ngủ, đến mức mộng du và tưởng rằng, “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Điều đó cho thấy, chân lý “không có đồng minh vĩnh viễn hay kẻ thù vĩnh viễn. Mà chỉ có lợi ích mới là vĩnh viễn”. Đến hôm nay, Tổng Trọng đã phải trả giá cho những sai lầm vừa kể./.

 

Trà My – Thoibao.de