Tô Đại đã đoạt quyền và biến Tổng Trọng thành cái bóng của mình như thế nào?

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã xuất hiện trở lại, sau những đồn đoán mới đây về vấn đề sức khỏe của ông.

Truyền thông nhà nước đưa tin, Tổng Bí thư đã chủ trì cuộc họp lãnh đạo chủ chốt. Theo đó, chiều 12/6, tại trụ sở Trung ương Đảng, các lãnh đạo chủ chốt tham dự cuộc họp gồm: Tổng Trọng, Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường, và Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Duy Ngọc.

Cuộc họp đánh giá tình hình và kết quả công tác trong các tháng 4 và 5/2024, đồng thời bàn về các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Những hình ảnh do Thông Tấn xã Việt Nam loan tải, cho thấy, thần sắc của Tổng Trọng sút kém. Dù khuôn mặt của ông có vẻ đầy đặn hơn, nhưng theo giới y khoa nhận xét, sự đầy đặn này “như kiểu bị giữ nước (còn gọi là phù). Có thể là do tác dụng phụ của việc sử dụng Corticoid liều cao”.

Qua tìm hiểu, được biết, Corticoid là loại thuốc có tác dụng tương tự hormone, được sản xuất bởi 2 tuyến thượng thận, bài tiết vào trong máu.

Một vấn đề được công luận và giới quan sát quan tâm, đó là, kể từ sau khi Hội nghị Trung ương 9, xuất hiện một hình thức họp mở rộng cho “Tứ trụ”, theo công thức 4+2, với việc bổ sung 2 nhân vật là Thường trực Ban Bí thư và Chánh Văn phòng Trung ương Đảng. Điều này giống như các cuộc họp Thường vụ Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Điều đó có liên quan gì đến việc, theo giới thạo tin, các cố vấn của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã “góp ý” với Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, rằng, cần có những bước chấn chỉnh trong hoạt động của “Ban Chỉ đạo Trung ương”, theo đúng mô hình của Trung Quốc?

Đây là phiên họp “các lãnh đạo chủ chốt” lần thứ 2. Nếu so sánh với phiên họp trước đó, diễn ra ngay sau Hội nghị Trung ương 9, có thể thấy, vị trí ngồi của các lãnh đạo cũng đã thay đổi.

Cụ thể, thay cho vị trí của cựu Bộ trưởng Công an Tô Lâm trong phiên họp trước, là Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, ngồi đối diện với Tổng Bí thư. Chủ tịch Tô Lâm đã chuyển sang vị trí “cánh tay trái” của Tổng Trọng, còn Thủ tướng Phạm Minh Chính vẫn giữ vị trí “cánh tay phải”. Đại tướng Lương Cường – Thường trực Ban Bí thư, đã đổi chỗ ngồi, ngự trên ghế ngoài rìa phía đối diện với ông Trọng. Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Duy Ngọc thì ngồi bên phải ông Mẫn, trong vai trò thư ký.

Theo giới phân tích, trong các kỳ Đại hội Đảng, từ đầu năm 2000 đến nay, với định chế “Bộ Chính trị”, đã phát huy vai trò của tập thể lãnh đạo. Nhờ đó, lãnh đạo Đảng đã cho ra đời nhiều quyết định rất quan trọng, đặc biệt là về công tác nhân sự, đối với các vị trí lãnh đạo cấp cao.

Tuy nhiên, kể từ sau Đại hội 12, với sự tiếm quyền của Tổng Trọng, đã dẫn tới việc, số đông các uỷ viên Bộ Chính trị là do Tổng Trọng “bày binh, bố trận”, đưa vào Bộ Chính trị với mục đích thao túng, nhằm nắm số phiếu biểu quyết “áp đảo”.

Với định chế “Bộ Chính trị” theo cách này, thì đương nhiên, Tổng Trọng là người cầm chịch. Trong vai trò lãnh đạo cao nhất của Đảng, ông Trọng là người toàn quyền quyết định nội dung các cuộc họp; triệu tập, cũng như điều hành các phiên họp.

Điều đó đã dẫn tới tình trạng, một tỷ lệ cao uỷ viên Bộ Chính trở thành cái bóng của Tổng Bí thư, và mọi quyết định do Tổng Trọng đưa ra, đều được Bộ Chính trị “đồng thuận” một cách gần như tuyệt đối. Nhất là các quyết định liên quan đến vấn đề nhân sự, bổ nhiệm hay kỷ luật đối, với lãnh đạo cấp cao.

Đó là lý do vì sao, theo ý kiến chỉ đạo của Bắc Kinh, thì hình thức họp “các lãnh đạo chủ chốt”, tức họp Bộ Chính trị “thu hẹp”, hay họp “Tứ trụ” mở rộng, được Chủ tịch nước Tô Lâm triệt để khai thác. Vì với phương thức này, ông Tô Lâm giành được ưu thế, với 4/6, so với Tổng Trọng.

Cụ thể, 4 nhân vật: Tô Lâm, Trần Thanh Mẫn, Phạm Minh Chính và Nguyễn Duy Ngọc, sẽ bỏ phiếu ủng hộ Tô Lâm. Phe Tổng Trọng chỉ có 2 phiếu, của Lương Cường và ông Trọng.

“Tứ trụ” Việt Nam bao gồm: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, và Chủ tịch Quốc hội. Đây là mô hình lãnh đạo tập thể mà Đảng Cộng sản Việt Nam lâu nay vẫn áp dụng.

Nhưng đến nay, với công thức 4+2, với việc bổ sung 2 nhân vật, Thường trực Ban Bí thư và Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Chủ tịch Tô Lâm dễ dàng thâu tóm được ý kiến tập thể của 16 hay 18 ủy viên Bộ Chính trị.

Đây là hình thức đoạt quyền “âm thầm”, êm thấm của Chủ tịch Tô Lâm, đối với Tổng Trọng, mà ít người biết. Đồng thời, nghiễm nhiên, Tổng Trọng trở thành cái bóng của ông trùm mật vụ, để rồi chuẩn bị về vườn trong một ngày không xa./.

 

Trà My – Thoibao.de