Nếu không thể duy trì đủ lâu, VinFast sẽ phá sản

Ngày 27/6, VOA Tiếng Việt bình luận “Giữa cạnh tranh khốc liệt toàn cầu, VinFast tiếp tục đặt cược vào giấc mơ xe điện”.

VOA nhắc lại việc, sau màn ra mắt rầm rộ của VinFast ở Mỹ vào tháng 8/2023, thì VinFast đã không bán được xe như kỳ vọng tại thị trường Mỹ, trong lúc báo lỗ hàng tỷ đô la, Công ty này cũng như vấp phải các vụ kiện tại Mỹ liên quan đến xe điện của họ.

Sau khi nhận thấy thị trường Mỹ là một thị trường khó chinh phục, VinFast lại đặt hy vọng vào mẫu xe SUV mini VF3 của họ sẽ giành được thiện cảm của người tiêu dùng tại thị trường châu Á và Việt Nam.

VOA cũng dẫn lời bà Dương Thị Thu Trang – Tổng Giám đốc VinFast thị trường Việt Nam, cho biết, khi VinFast chào bán VF3 rằng, hãng mong sẽ “phát triển thành thương hiệu Việt Nam đẳng cấp hàng đầu thế giới”.

Tuy nhiên, VOA liệt kê ra hàng loạt khó khăn mà VinFast đang gặp phải, như:

  • giá cổ phiếu tụt xuống dưới 4 USD từ mức cao nhất là 82,35 USD;
  • việc xây nhà máy ở North Carolina đang chậm trễ;
  • phải đối với những rắc rối pháp lý về vụ tai nạn khiến 4 người thiệt mạng ở California, cáo buộc vi phạm bằng sáng chế, và cáo buộc “vi phạm luật chứng khoán”;
  • xe bán được ở Mỹ chưa tới 1.000 chiếc vào năm 2023, phần lớn xe bán trong nước là được hãng taxi xanh SM, thuộc sở hữu của ông Vượng, mua. Không đạt mục tiêu bán xe cả năm 2023 và những tháng đầu năm 2024.
  • lỗ ròng 2,39 tỷ USD vào năm 2023, tổng dư nợ cả ngắn hạn và dài hạn đều tăng, phải bán Vincom Retail để trả nợ…

Theo VOA, ngay từ khi bắt đầu sản xuất xe vào năm 2019, VinFast đã cho ra mắt những loại xe đắt tiền.

VOA dẫn lời ông Phạm Nhật Vượng – ông chủ của VinFast, khi trả lời một hãng tin quốc tế, đã nói rằng, mục tiêu của VinFast không phải là thương hiệu rẻ tiền, mà là thương hiệu hợp túi tiền cũng như “làm ra những chiếc xe tốt với giá cả phủ hợp”.

Tại cuộc họp cổ đông hồi tháng 4, ông Vượng tái khẳng định mục tiêu “VinFast không chỉ là dự án kinh doanh mà còn là dự án trách nhiệm xã hội”, và rằng, “VinFast không chỉ muốn sản xuất được xe mà còn muốn vào top đầu thế giới”.

Nhưng, VOA dẫn nhận xét của một hãng tin quốc tế, cho rằng, ngành công nghiệp xe điện có rất nhiều ví dụ về các tỷ phú đã cố gắng, và đã thất bại.

Tập đoàn xe điện Trung Quốc Evergrande New Energy Vehicle Group do tỷ phú Hứa Gia Ấn làm Chủ tịch là một ví dụ. Từng có giá trị hơn Ford và GM, tập đoàn Trung Quốc đã gặp khó khăn kể từ khi công ty mẹ bị cuốn vào cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc vào năm 2021, với tổng số nợ đang phải gánh là hơn 300 tỷ USD.

VOA dẫn lời nhà phân tích Ken Foong, cho biết, VinFast đang phải đối mặt với rất nhiều rủi ro do sự cạnh tranh ở Mỹ, khi hãng xe Việt Nam là một công ty mới gia nhập vào ngành này.

“Họ sẽ cần phải xây dựng thương hiệu của mình và phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt”, ông Foong nói. “Nó sẽ không dễ dàng ở Mỹ. Nó sẽ ngốn thời gian và tiền bạc”.

VOA cho biết, ngay tại châu Á, VinFast cũng phải đối mặt với nhiều cạnh tranh, đặc biệt từ nhà sản xuất xe điện BYD của Trung Quốc, vốn đã đạt được quy mô đủ lớn để sản xuất tiết kiệm chi phí, và đang nhanh chóng mở rộng ở Đông Nam Á.

VOA dẫn nhận định của Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, của Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, rằng, sự gần như độc quyền của VinFast về cơ sở hạ tầng ở Việt Nam – với các trạm sạc nằm rải rác trên cả nước, không chỉ ở các thành phố lớn mà cả ở các tỉnh miền núi xa xôi – cùng với tâm lý không tin tưởng sản phẩm Trung Quốc của người tiêu dùng Việt, cũng như tinh thần dân tộc chủ nghĩa, có thể mang lại lợi thế ban đầu cho VinFast.

Tuy nhiên, VinFast đang phải chạy đua với thời gian. Theo Tiến sĩ Hiệp, nếu “họ không thể duy trì đủ lâu, họ có thể phá sản”.

 

Hoàng Anh – thoibao.de