Nguyễn Phú Trọng – di sản “đốt lò” – và tương lai chính trị Việt Nam

Ngày 22/7, BBC Tiếng Việt có bài đánh giá, “Nguyễn Phú Trọng – “người Cộng sản kiên định cuối cùng” và di sản “đốt lò”’.

BBC dẫn nhận định của giới quan sát, cho rằng, một trong các di sản đáng chú ý của ông Trọng, phải kể đến công cuộc “Đốt lò” mà ông bắt đầu thực hiện từ năm 2013.

BBC dẫn nhận xét của Tiến sĩ Nguyễn Quang A, từ Hà Nội, nói:

“Ông Nguyễn Phú Trọng là một lãnh đạo bảo thủ, theo đường lối cứng rắn, kiên định với chủ nghĩa Marx – Lenin, trong khi thực tế ở Việt Nam thì không còn có gì là Marx – Lenin nữa.”

Đồng quan điểm với ông A, BBC dẫn lời Giáo sư Carl Thayer, từ Úc, nói rằng “ông Trọng sẽ được biết đến là người bảo vệ chủ nghĩa Marx – Lenin, Chủ nghĩa Xã hội.”

“Đó là xây dựng Đảng thông qua các quy định, cải cách, để lựa chọn cán bộ chiến lược, cử đi các tỉnh, đề bạt, rồi sử dụng chiến dịch chống tham nhũng để loại bỏ những người suy thoái.”

Theo BBC, Giáo sư Zachary Abuza từ Mỹ, cũng nhận định, ông Trọng “là một nhà tư tưởng Cộng sản trọn đời”, tuy nhiên, ông Trọng là “người hầu như không có kinh nghiệm về mặt thực tiễn”.

Bàn về chiến dịch “Đốt lò” – Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng, nó đã “thất bại hoàn toàn”.

Ông A phân tích:

“Quan trọng nhất là ông ấy không nhận ra, bản thân ông ấy và hệ thống của ông ấy sinh ra tham nhũng. Như thế thì, ông có đốt đến bao giờ cũng không hết củi.”

“Không giải quyết triệt để những vấn đề nội tại trong hệ thống, thì không giải quyết được tham nhũng. Các vấn đề đó bao gồm thiếu tự do ngôn luận, tự do báo chí, xã hội dân sự, thiếu một nhà nước pháp quyền với một hệ thống tư pháp độc lập, không có một cơ chế cân bằng và kiểm soát quyền lực.”

“Điều cơ bản là không ai có quyền ngồi xổm lên pháp luật.”

“Điều lệ Đảng quy định Tổng Bí thư không làm quá 2 nhiệm kỳ. Tuy nhiên, ông Trọng đã làm tới 3 nhiệm kỳ… chứng tỏ là, ông ấy không tôn trọng chính Điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tiến sĩ Quang A cho rằng, cách chống tham nhũng như vậy còn “có hại”, vì “Nó cản trở bao nhiêu GDP của Việt Nam, cản trở bao nhiêu sáng kiến của từng địa phương, từng cá nhân.”

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Quang A, nhờ kỹ thuật tuyên truyền của Đảng, nên một bộ phận người Việt tin rằng, chiến dịch đốt lò này đã thành công.

Giáo sư Zachary Abuza thì nhận định: “Chiến dịch đốt lò của ông Trọng đã tàn phá, và làm suy giảm tính chính danh của Đảng,… phô bày nạn tham nhũng tràn lan ngay tại thượng tầng chính trị.”

BBC dẫn nhận định của nhà nghiên cứu David Hutt, từ Viện Nghiên cứu Trung Âu về châu Á, cho rằng:

“Ông Trọng đã để lại một di sản của việc phớt lờ tất cả các quy tắc và chuẩn mực.”

“Ông cũng đã giám sát việc tái tập trung quyền lực vào cơ quan trung ương Đảng; làm suy yếu sự độc lập của bộ máy hành chính; thanh trừng các nhà kỹ trị và sự trỗi dậy của các lãnh đạo ngành công an.”

“Tất cả đều nhân danh một chiến dịch chống tham nhũng, nhằm cố gắng thay đổi bản chất con người, thay vì thay đổi hệ thống chính trị đầy tham nhũng.

Ông để lại một Đảng Cộng sản ít đồng thuận, ít cân bằng giữa các phe phái, và mạng lưới quyền lực vùng miền – và dễ có nguy cơ bị một phe mạnh chiếm đoạt quyền lực hơn.”

BBC cho biết, về bức tranh Việt Nam trong một kỷ nguyên mới, với một lãnh đạo mới, ông Quang A thấy rằng “không có lý do gì để hi vọng nhưng cũng không có lý do gì để bi quan”.

Ông phân tích:

“Dựa trên những việc ông Tô Lâm đã làm ở Bộ Công an, phóng chiếu ra, nếu ông ấy vẫn tiếp tục các hoạt động đàn áp khốc liệt, thì với cương vị Chủ tịch nước, ông ấy sẽ tạo điều kiện cho những người thân cận lên, thì có thể suy ra tình hình không sáng sủa gì, rất ảm đạm.”

Tuy nhiên, ông A hy vọng:

“Khi ông Tô Lâm đã củng cố được quyền lực, dưới sức ép của quốc tế và người dân, và suy nghĩ riêng của chính ông, hoặc những quân sư của ông ấy có thể khuyên ông ấy, thì rất có thể, lại có một sự tiến bộ nào đó trong dân chủ hoá, như nới lỏng đàn áp, cho tự do báo chí, trả tự do cho tù nhân lương tâm, một cách từ từ, có lộ trình.”

“Vấn đề là quản trị tốt, phải có sự minh bạch, thượng tôn pháp luật, kiểm soát và cân bằng quyền lực, và quan trọng nhất là tư pháp phải độc lập.”

 

Thu Phương – thoibao.de