13 năm dưới thời Tổng Trọng là bước lùi lớn về nhân quyền

Trong những ngày chờ Quốc tang của Tổng Bí thư, chính quyền Việt Nam đã xử phạt hàng loạt những cá nhân, sử dụng mạng xã hội để đăng tải những nội dung bị cho là “xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm” của ông Nguyễn Phú Trọng.

Theo đó, công an các tỉnh, thành phố, đã triệu tập một số chủ tài khoản trên mạng xã hội để làm việc, đồng thời họ cũng bị yêu cầu gỡ bài viết, lập biên bản và phạt tiền theo quy định của pháp luật.

Đây là một trong những biểu hiện bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt của công dân. Những việc như thế này đã trở thành bình thường trong thể chế chính trị độc đoán dưới thời ông Trọng.

Cách đây hơn 10 năm, vào 26/2/2013, nhà báo Nguyễn Đắc Kiên, phóng viên báo Gia đình và Xã hội, đã có bài viết dưới dạng thư ngỏ: “Vài lời với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng”, từng gây chấn động dư luận. Khi đó, nhà báo Nguyễn Đắc Kiên đã chỉ trích ông Trọng mạnh mẽ, nhưng cũng chỉ bị xử lý kỷ luật với hình thức sa thải ngay lập tức, không cho tiếp tục vai trò phóng viên trong hệ thống báo chí nhà nước. Trong 10 năm trở lại đây, chính quyền Việt Nam đã sử dụng các điều luật mơ hồ trong Bộ luật Hình sự 2015, để “bịt miệng” những người có ý kiến trái chiều, không tuân theo “lề phải” của truyền thông của nhà nước.

Chẳng hạn, Điều 117 quy định về “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; Điều 331 về “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Từ đó thấy được, quyền tự do của công dân, dù có trong Hiến pháp Việt Nam, không được nhà nước tôn trọng. Trái ngược với thời kỳ ông Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng, các sinh hoạt chính trị như biểu tình chống Trung Quốc, tưởng niệm các chiến sĩ Việt Nam ngã xuống trong cuộc chiến chống quân xâm lược Trung Quốc… được diễn ra thường xuyên vào các Chủ nhật hàng tuần.

Sau Đại hội Đảng 12, Tổng Trọng thành công loại bỏ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Đồng thời, Tô Lâm lên nắm giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an, các sinh hoạt chính trị, các tiếng nói phản biện, và hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự bị quấy phá, và xóa sổ tận gốc.

Theo giới phân tích quốc tế, mục đích của sự triệt phá này là để sự độc quyền về quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam vững chắc hơn. Tổng Trọng và lãnh đạo Đảng đã gia tăng đàn áp các hoạt động dân chủ, nhằm dập tắt tiếng nói phản biện. Đây là điều phổ biến ở các quốc gia độc tài như Bắc Triều Tiên, Trung Quốc, Việt Nam… Chính quyền luôn sử dụng lực lượng Công an và Quân đội, để đảm bảo sự độc tôn quyền lực của họ

Việc nhà nước phải chi nhiều tiền cho bộ máy Công an và Quân đội, nhằm duy trì sự tồn vong của chế độ. Con số chi tiêu ngân sách trong ngành Công an và Quân đội trong những năm gần đây, đã cho thấy điều đó.

Mối quan tâm lớn nhất hiện nay của Đảng là giữ vững bằng được an ninh chính trị, hay nói cách khác, là giữ được vị trí độc tôn lãnh đạo, quản lý nhà nước và xã hội, bất kể việc xâm phạm quyền của người dân.

Nguy hiểm hơn, với chính sách ưu tiên quá lớn cho ngành Công an, khiến cho lực lượng này trở thành một loại “kiêu binh”, thao túng đời sống chính trị và xã hội Việt Nam hiện nay. Điều này cũng tạo ra một nhà nước cảnh sát, duy trì chế độ Công an trị, làm xấu hình ảnh Việt Nam trong mắt của quốc tế.

Tổng Trọng không hiểu được mặt trái của chế độ Công an trị, đó là, sẽ dẫn tới việc làm xói mòn các chuẩn mực của một nhà nước pháp quyền.

Với chế độ Công an trị, Đảng Cộng sản đã tạo ra một nhà nước bất chấp luật pháp. Quyền lực đi ra từ họng súng và thuộc về kẻ mạnh, bất kể đúng hay sai.

 

Trà My – Thoibao.de