Cuộc hạ bệ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của Tổng Trọng

Ngày 30/7, BBC Tiếng Việt bình luận “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và ngôi vị quyền lực: cuộc hạ bệ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng”.

Theo đó, nếu Tổng Trọng được xem là nhà lãnh đạo quyền lực nhất Việt Nam, khi liên tiếp làm Tổng Bí thư 3 nhiệm kỳ, thì cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng từng được coi là nhân vật quyền lực số 1, trước thềm Đại hội 12.

BBC dẫn lời một nhà quan sát từ Hà Nội, nói:

“Việc loại trừ Thủ tướng Dũng không chỉ giúp Đảng giành lại quyền lực từ tay Chính phủ, mà còn là phát súng khai hỏa chiến dịch chống tham nhũng, chống xa rời lý tưởng, và chống diễn biến trong nội bộ Đảng.”

BBC nhắc lại, trước Đại hội Đảng 12, năm 2016, Việt Nam dường như có dấu hiệu ly khai, khi quyền lực của Chính phủ trở nên mạnh hơn, từ thời ông Võ Văn Kiệt, ông Phan Văn Khải và đỉnh điểm là ông Nguyễn Tấn Dũng.

Thủ tướng Dũng nắm quyền từ năm 2006 đến 2016, và ông thực sự được đánh giá là nhân vật quyền lực số 1.

BBC dẫn nhận định của Giáo sư Carl Thayer, từ Úc, từng nói rằng, vào thời Thủ tướng Dũng, Văn phòng Chính phủ đã trở nên quyền lực hơn phe Đảng về mặt chính sách, ngân sách và nguồn nhân lực.

Nhiều ban Đảng đã phải giải thể, hoặc sáp nhập, và nhiều ứng cử viên do Trung ương Đảng sắp xếp về làm bí thư thành ủy các thành phố lớn đều thất cử.

BBC trích dẫn hồi ký của cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius, nhận định, ông Dũng là người “đứng trên chóp kim tự tháp chính trị của Việt Nam, là nhân vật quyền lực thực thụ tại Việt Nam, sau Tổng Bí thư Lê Duẩn”.

Theo BBC, ngoài vấn đề quyền lực nằm trong tay Chính phủ, thì cá nhân Thủ tướng Dũng khi đó cũng là một mối lo ngại.

Giáo sư Carl Thayer cho rằng, cựu Thủ tướng Dũng là chính trị gia “Việt Nam là trên hết” chứ không phải “Đảng là trên hết” như ông Trọng.

BBC dẫn lời cựu nhân viên ngoại giao David Brown, nói rằng, ông Trọng từng cảnh báo: “Chính ông Dũng và những thân hữu của ông, đang làm suy yếu tính chính danh của Đảng”.

BBC dẫn tiếp lời nhà quan sát chính trị, nói rằng, ông Trọng là một lãnh đạo quan liêu Cộng sản điển hình, “tức ngoài Đảng ra, không có trời, không có đất”. Đảng thống lĩnh, lãnh đạo tuyệt đối, với ông Trọng là một hằng số không thể thay đổi, nên ông luôn nỗ lực loại bỏ những mối đe dọa làm xói mòn quyền lực của Đảng. Mà mối đe doạ này chính là Thủ tướng Dũng.

Ngoài ra, BBC cho biết, các chuyên gia còn cho rằng, ông Dũng đã phớt lờ nạn tham nhũng và để các doanh nghiệp bành trướng. Ông Dũng còn tỏ ra thân Mỹ và chống Trung Quốc.

BBC cũng nhắc lại, tháng 5/2014, khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép ở Biển Đông, Thủ tướng Dũng đã phát biểu: “Không đánh đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông” – một câu nói đã làm phật lòng “người anh em Cộng sản”.

Cựu Đại sứ Ted Osius viết rằng, ông Dũng khao khát đưa Việt Nam trở thành một trong những thành viên đầu tiên của TPP, vì theo ông, TPP sẽ giúp ngăn Trung Quốc khóa cứng tương lai nền kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, BBC cũng cho biết, nhiều chuyên gia nhận định rằng, có lẽ chính những đổi mới và việc xích lại gần Mỹ của ông Dũng, khiến nhiều người trong Trung ương Đảng e ngại.

Ông Trọng đã “lật ngược thế cờ” ở Đại hội 12, khiến ông Dũng phải về hưu, bằng những quy định, mà ông đã khôn khéo lồng ghép, để Ban Chấp hành Trung ương Đảng duyệt.

Cụ thể, ông Trọng đã lồng ghép vào Quyết định 244-QĐ/TW những điều để có thể gạt ông Dũng ra ngoài.

Giáo sư Carl Thayer giải thích:

“Ông Trọng đã thắng thế nhờ vào việc thay đổi các nghị quyết khiến cho ông Dũng không thể nào tự ứng cử vào chức vụ cao hơn.”

Nhà quan sát chính trị thì kiến giải thêm rằng, ông Trọng khi đó đã thuyết phục thành công Bộ Chính trị, để loại ông Dũng khỏi danh sách đề cử.

Cuối cùng, ông Dũng xin rút khỏi danh sách đề cử bổ sung. Trong hồi ký của mình, Đại sứ Ted Osius viết rằng, ông Dũng đã xoay xở để có được những lời đảm bảo rằng, gia đình ông không phải lãnh hậu quả.

Đại hội 12 đã chính thức kết thúc sự nghiệp chính trị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và quyền lực lần nữa về tay Đảng.

 

Xuân Hưng – thoibao.de