Thế và lực của Tổng Bí thư Tô Lâm có thực sự mạnh?

Sau kỳ họp bất thường lần thứ 8 của Quốc hội khóa 15, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã lập tức kiện toàn bộ máy lãnh đạo của Chính phủ. Cùng với đó, ông Nguyễn Hòa Bình được bổ nhiệm chức Phó Thủ tướng Thường trực.

Theo giới quan sát, các nhân sự phó thủ tướng trong nội các của Thủ tướng Chính hiện nay, đã sạch bóng dáng các nhân sự do Tổng Bí thư Trọng bổ nhiệm. Và số lượng 5 phó thủ tướng được đánh giá là dư thừa.

Điều đó cho thấy, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có chủ trương “thay máu” trong bộ máy chính trị cũ một cách sâu rộng, để sắp xếp nhân sự mới, phục vụ cho một triều đại mới.

Không phải ngẫu nhiên, truyền thông nhà nước đưa tin, trong phát biểu với Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đảng 14, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh:

“Thống nhất nhận thức về khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, sau 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới; từ đó có nhận thức đúng về tầm vóc, và ý nghĩa lịch sử của Đại hội Đảng lần thứ 14.”

Phải chăng, tuyên bố này của ông Tô Lâm báo hiệu, sẽ có những thay đổi lớn cho đất nước Việt Nam?

Trên mạng xã hội có nhiều ý kiến phân tích và nhận xét khác nhau. Đa phần là hoài nghi, thiếu tin tưởng, không chỉ vì slogan “đừng nghe, mà hãy nhìn”. Quan trọng hơn, một số ý kiến cho rằng, liệu ông Tô Lâm có qua nổi “con nước” tháng 10 sắp tới, khi Quốc hội bầu lại chức danh Chủ tịch nước hay không?

Theo những ý kiến này, nếu ông Tô Lâm không thực hiện được mô hình “nhất thể hóa” giống Trung Quốc, thì chắc chắn, Tổng Bí thư Tô Lâm khó có thể nắm quyền lực tuyệt đối trong Đảng.

Trong khi đó, ông Tô Lâm đang đứng trước các thách thức, trong vấn đề đối nội cũng như đối ngoại.

Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, một cựu quan chức ngoại giao Việt Nam, tiết lộ lý do vì sao, Tổng Bí thư Tô Lâm phải dời lịch cho chuyến thăm Trung quốc sớm hơn dự kiến. Ông Thắng nói:

“Ông Tô Lâm đã nhận được lời mời từ Chính phủ Mỹ. Một cuộc gặp gỡ chính thức giữa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với Tổng thống Joe Biden đang được lên kế hoạch, dịp ông Tô Lâm sang New York, dự kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 79. Nếu xuất hiện trước thế giới như biểu tượng của “sự chuyển giao”, Tô Đại tướng dễ trở thành mục tiêu chỉ trích từ nội bộ”.

Về đối nội, ông Tô Lâm đang phải đương đầu với các thách thức phức tạp gấp bội. Đó là việc tranh chấp quyền lực giữa các phe phái trong Đảng, và nhân tố Nghệ An – Hà Tĩnh vẫn chưa được bình định xong. Mối quan hệ giữa ông Tô Lâm và ông Trần Cẩm Tú – người dự kiến sẽ ngồi ghế Thường trực Ban Bí thư, để Đại tướng Lương Cường ngồi ghế Chủ tịch nước, vẫn chưa rõ ràng.

Trong khi đó, lập trường của phe quân đội thời “hậu” Nguyễn Phú Trọng, rất rõ ràng và dứt khoát – đó là, quân đội chứ không phải công an là trung tâm quyền lực. Đó là vì sao, tuy ông Tô Lâm là Bí thư Quân uỷ Trung ương, nhưng vẫn không tranh thủ được sự ủng hộ từ quân đội.

Chỉ dẫn ra 3 ví dụ đã thấy, nếu các thế lực vừa kể bắt tay nhau, thì sẽ là chuyện lớn, và ông Tô Lâm sẽ không thể “ngon ăn”.

Đó là chưa kể tới, nguồn tin của thoibao.de tiết lộ, Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ “đào tận gốc, trốc tận rễ” di sản nhân sự cấp cao thân cận với Tổng Bí thư Trọng.

Theo đó, trong thời gian tới, các nhân vật Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ và Trương Thị Mai, sẽ bị kỷ luật, với hình thức khai trừ Đảng, và cắt hết tất cả các chế độ dành cho cán bộ cấp cao, kể cả lương hưu và các khoản phụ cấp.

Theo giới quan sát, nếu chủ trương vừa kể của Tổng Bí thư Tô Lâm thực hiện được, thì sẽ gây nên một cơn địa chấn chính trị trong nội bộ Đảng. Phải chăng, ông Tô Lâm sẽ tiến hành một chiến dịch “hồi tố” trên diện rộng, để tịch thu tài sản tham nhũng của các cựu quan chức, tương tự như “Cải cách Ruộng đất” trước đây?

Điều vừa kể nếu trở thành sự thật, thì Tổng Bí thư Tô Lâm hãy coi chừng, sẽ thành cách “chữa lửa bằng xăng”, rất dễ cháy thành vạ lây.

 

Trà My – Thoibao.de