Tổng Bí thư Tô Lâm có quyền lực như thế nào?

Ngày 29/8, Blog Trân Văn trên VOA Tiếng Việt bình luận: “Việt Nam –  Quyền lực trong tay ai? – phần 5”, bình về tân Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Tô Lâm.

Tác giả nhắc lại, Bộ trưởng Công an Tô Lâm không phải là nhân vật tên xa lạ với dân chúng Đức, đặc biệt là với dân chúng Slovakia. Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, xảy ra vào tháng 7/2017, đã khiến Đức quyết định ngưng quan hệ ngoại giao với Việt Nam, vì Công an Việt Nam tổ chức bắt cóc trên lãnh thổ Đức, xâm phạm chủ quyền của Đức.

Đến nay, cuộc điều tra và truy cứu trách nhiệm hình sự về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, của hệ thống tư pháp Đức vẫn còn tiếp diễn.

Trong khi đó, theo tác giả, toà án Slovakia cũng đang tiến hành xử vụ án, liên quan đến việc Công an Việt Nam tổ chức bắt cóc Trịnh Xuân Thanh thông qua Slovakia.

Tuy nhiên, tác giả cũng cho biết, vào ngày 30/5, hệ thống truyền thông ở Slovakia loan báo, Văn phòng Công tố khu vực Bratislava đã hủy bỏ cáo buộc vào ngày 29/4 đối với ông Tô Lâm, vì các Điều tra viên của Cơ quan phòng chống tội phạm Quốc gia NAKA, đã có sai sót nghiêm trọng về thủ tục tố tụng.

Tác giả dẫn báo chí Slovakia cho hay, ông Tô Lâm vẫn có nguy cơ bị phạt đến 15 năm tù, nếu tiếp tục bị truy tố và bị kết án trong tương lai.

Tác giả trích một nguồn tin quốc tế, dẫn lời chuyên gia pháp lý Thomas Stremy, từ Slovakia, cho biết, theo luật pháp quốc tế, việc ông Tô Lâm được bầu làm Chủ tịch nước Việt Nam sẽ cho ông được hưởng quyền miễn trừ đối với nguyên thủ quốc gia, trong quá trình đảm nhiệm vai trò này. Đó có thể cũng là lý do việc truy tố sẽ bị đình chỉ.

Tác giả nhận định, vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh không chỉ đầu độc quan hệ giữa Việt Nam với Đức, mà còn làm vẩn đục quan hệ giữa Việt Nam với Slovakia.

Tác giả cũng nhắc đến sự kiện “bò dát vàng 24K”, liên quan đến ông Tô Lâm, khiến công luận dậy sóng trong thời gian dài. Món ăn trị giá trên 1.000 USD này đã được ông Tô Lâm thưởng thức, khi đến London vào tháng 11/2021.

Tác giả đề cập đến vụ Mobifone mua lại cổ phần của Công ty AVG vào năm 2014. Đến tháng 8/2016, Thủ tướng Việt Nam khi ấy là ông Nguyễn Xuân Phúc quyết định giao cho Thanh tra Chính phủ, thanh tra vụ án này.

Tác giả nhấn mạnh, nếu chịu khó dành thời gian ngó qua 3 công văn của Bộ Công an Công văn 4352/BCA-A81 ngày 08/12/2014; Công văn 418/BCA-TCAN ngày 9/3/2015; và Công văn 2889/BCA-A61 ngày 21/12/2015”, mà Thanh tra Chính phủ cho là “không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền theo quy định”, tất sẽ nhận ra sự can dự của Thượng tướng Tô Lâm lúc bấy giờ.

Tác giả cho hay, sự can dự còn được thể hiện ở chỗ, bất kể nơi phát hành là A61, A81 hay Tổng cục An ninh, thì Thượng tướng Tô Lâm vẫn là người đặt bút ký tên. Chưa kể, không có ai, không có nơi nào dám dòm ngó, bình phẩm về thương vụ này, vì Thượng tướng Tô Lâm xếp nó vào loại “Mật” hoặc “Tối mật”.

Tác giả nhận xét, không phải tự nhiên mà trong Kết luận Thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị:

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật các tổ chức, cá nhân thuộc Bộ Công an, trong việc tham mưu ban hành ba văn bản tham gia ý kiến với Bộ Thông tin Truyền thông nêu tại điểm 6 Mục II.”

Trên thực tế, việc chứng minh có trách nhiệm và có tư lợi, tương đương với các bị án khác trong vụ này, của Thượng tướng Tô Lâm là không khó khăn đối với hệ thống tư pháp. Tuy nhiên, ông Tô Lâm vẫn đang nhởn nhơ trèo lên cao, thâu tóm quyền lực trong hệ thống thượng tầng của Đảng và Nhà nước.

Tác giả đặt vấn đề, bản chất những “vi phạm, khuyết điểm” của các uỷ viên Bộ Chính trị, uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, đã bị xử lý, có khác gì với hành vi của ông Tô Lâm trong scandal Mobifone – AVG?

Liệu, sẽ có lúc, hành vi ấy trở thành “vi phạm, khuyết điểm”?

Quyền lực ở Việt Nam không trong tay nhân dân, nhưng đang trong tay ai? Vì sao lại thế?

 

Thu Phương – thoibao.de