Các ứng viên cho chức danh Chủ tịch nước

Ngày 29/8, BBC Tiếng Việt đặt vấn đề: Ai sẽ thay ông Tô Lâm làm Chủ tịch nước?

BBC phân tích, Bộ Chính trị là cơ quan quyền lực nhất của Đảng, trong đó, Tứ trụ là những lãnh đạo đứng đầu.

Với cốt lõi là tập thể lãnh đạo, thì Tổng Bí thư không thể áp đặt ý chí của mình lên Bộ Chính trị, mà phải dẫn dắt và tìm kiếm sự ủng hộ. Khi Bộ Chính trị đã đạt được sự đồng thuận, thì vẫn phải thông qua Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

BBC cho biết, ông Tô Lâm đã đánh tiếng rằng, sẽ kiện toàn các chức danh lãnh đạo cấp cao vào tháng 10/2024, với các “bậc bô lão”, tại cuộc gặp các cựu lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào ngày 15/8.

BBC dẫn nhận định của Giáo sư Carl Thayer, từ Úc, cho rằng, ông Nguyễn Phú Trọng đã giữ chức Tổng Bí thư trước khi nhận thêm chức Chủ tịch nước – chức danh mang tính nghi thức. Do đó, ông Trọng dễ dàng làm tròn trọng trách ở cả 2 vị trí. Trong khi, ông Tô Lâm từ Bộ trưởng Công an, được bầu làm Chủ tịch nước rồi Tổng Bí thư, chỉ trong vòng khoảng 3 tháng. Như vậy, hồ sơ của ông Tô Lâm mỏng hơn so với người tiền nhiệm.

Và với thời gian lãnh đạo ngắn, trong một giai đoạn có nhiều xáo trộn, ông Tô Lâm có lẽ cũng chưa tập hợp được sự ủng hộ đủ lớn.

Vì thế, theo Giáo sư Thayer, bầu Chủ tịch nước mới không chỉ giúp tránh tình trạng cá nhân thâu tóm quyền lực, mà còn để ông Tô Lâm tập trung làm tốt vai trò Tổng Bí thư.

Theo BBC, hiện Đảng Cộng sản Việt Nam có 2 lựa chọn:

  • Phương án tạm thời, bầu một người giữ chức Chủ tịch nước tới hết nhiệm kỳ này (2021 – 2026), và sau đó sẽ bầu một người mới tại Đại hội 14;
  • Phương án lâu dài, chọn một người có đủ tiêu chuẩn và khả năng, để tiếp tục được bầu làm Chủ tịch nước cho nhiệm kỳ kế tiếp (2026 – 2031).

Xét theo Quy định 214-QĐ/TW của Bộ Chính trị, thì trong Bộ Chính trị chỉ còn có ông Tô Lâm và ông Phạm Minh Chính đủ điều kiện để được bầu làm Chủ tịch nước. Tuy nhiên, Quy định 214 cũng nêu “trường hợp đặc biệt” cho Tứ trụ.

Vẫn theo Giáo sư Carl Thayer, có tin đồn rằng, quân đội muốn đề bạt ứng cử viên của mình vào vị trí Chủ tịch nước, để cân bằng quyền lực với bên công an.

Trong 15 uỷ viên Bộ Chính trị, hiện có 3 người từ quân đội. đó là, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang, và Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa.

BBC cũng cho biết, Đại tướng Lương Cường được nhiều nhà quan sát nước ngoài đánh giá là ứng cử viên nặng ký nhất, vì ông có thâm niên trong Trung ương Đảng với 3 khóa liên tiếp 11, 12 và 13. Ông là Uỷ viên Bộ Chính trị được bầu từ đầu khóa, và còn là một sĩ quan chuyên về chính trị.

Bên cạnh đó, Thường trực Ban Bí thư là một chức danh quan trọng, chỉ sau Tứ trụ, và vị trí này có thể là bước đệm để ông Cường tranh chức Tổng Bí thư.

BBC dẫn nhận định của Giáo sư Zachary Abuza từ Mỹ, cho rằng, dù ông Lương Cường không còn phục vụ trong quân đội, nhưng ông vẫn được coi là đại diện cho lợi ích của quân đội trong Bộ Chính trị.

BBC đề cập đến ứng viên sáng giá thứ 2 là Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang. Ông Giang từng đứng đầu về số phiếu “tín nhiệm cao” vào tháng 10/2023, tại kỳ lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội, và ông cũng chỉ có 4 phiếu “tín nhiệm thấp”. Điều này cho thấy, Đại tướng Phan Văn Giang rất được các đại biểu Quốc hội tín nhiệm.

BBC cũng nhắc đến ứng viên cuối cùng, là Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Ông Nghĩa sẽ 63 tuổi vào năm 2026, còn cơ hội để vào Bộ Chính trị thêm một khóa nữa.

Ông Nghĩa mới được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị, nên khả năng làm Chủ tịch nước không cao. Tuy nhiên, ông là người miền Nam, nên việc bầu ông làm Chủ tịch nước sẽ giúp cân bằng tính vùng miền trong Tứ trụ.

 

Minh Vũ – thoibao.de