Vì sao Tổng Bí thư Tô Lâm phải “thoái lui” khỏi vị trí Chủ tịch nước, và ai sẽ kế nhiệm?

Ngày 26/8, sau khi kỳ họp bất thường lần thứ 8 của Quốc hội khóa 15, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã thông báo: Quốc hội sẽ bầu lại chức danh Chủ tịch nước, tại kỳ họp Quốc hội thường niên vào tháng 10 tới đây.

Điều đó cho thấy, hệ thống chính trị Việt Nam sẽ quay trở lại với bộ tứ quyền lực quen thuộc, gọi là “Tứ trụ”.

Như vậy, trong khoá 15 này, chức vụ Chủ tịch nước – nguyên thủ quốc gia Việt Nam, có đến 3 nhân vật phải rời ghế, đó là, ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Võ Văn Thưởng, và ông Tô Lâm, trong vòng chưa đầy 2 năm.

Điều đó càng chứng tỏ, đây là ghế “nóng” có dớp, ngồi chưa vững đã gãy, là chuyện có thật.

Giới quan sát đánh giá rằng, việc Tổng Bí thư Tô Lâm phải bàn giao chức Chủ tịch nước, là điều mà ông hoàn toàn không muốn. Với lý do, điều đó sẽ ảnh hưởng tới quyền lực tuyệt đối của ông. Nếu không giữ chức Chủ tịch nước, thì đương nhiên, vai trò “thống lĩnh các lực lượng vũ trang” sẽ không thuộc về ông. Đồng thời, điều đó cũng sẽ cản trở rất lớn trong các hoạt động đối ngoại của ông.

Vậy, tại sao, Tổng Bí thư Tô Lâm không tiếp tục kiêm nhiệm chức Chủ tịch nước?

Cuối năm 2018, sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang mắc “bệnh lạ” qua đời, thì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kiêm nhiệm, giữ chức Chủ tịch nước, theo mô hình nhất thể hóa 2 chức danh lãnh đạo Đảng và Nhà nước, của Trung Quốc.

Theo giới phân tích, Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam – cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương lãnh đạo giữa 2 nhiệm kỳ Đại hội Đảng. Trong Bộ Chính trị, nhóm “Tứ trụ” là những lãnh đạo đứng đầu, có quyền lực tối cao. Tùy theo từng giai đoạn, nhóm này có thể là 3 hay 4 người nắm giữ.

Tuy nhiên, có một nguyên tắc “bất di, bất dịch” của Đảng, kể từ sau năm 1986 đến nay, đó là nguyên tắc “lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách”.

Tại thời điểm này, khi Đại tướng Tô Lâm “rốt ráo” thâu tóm quyền lực trong Đảng và nhà nước, thì tập thể Bộ Chính trị và Ban Bí thư càng đòi hỏi phải duy trì nguyên tắc “phân quyền” trong tổ chức và lãnh đạo, để tránh tập trung quyền lực quá lớn vào cá nhân ông Tô Lâm.

Vì vậy, việc kiện toàn chức danh Chủ tịch nước, đang do ông Tô Lâm nắm giữ, là điều bắt buộc, vấn đề chỉ là sớm hay muộn mà thôi. Hơn nữa, việc giảm bớt công việc của Chủ tịch nước, cũng sẽ giúp cho ông Tô Lâm có thể tập trung thời gian cho chức trách Tổng Bí thư, để điều hành Đảng được tốt hơn.

Đã có những so sánh giữa việc ông Trọng từng kiêm nhiệm 2 chức danh trước đây, với việc, tại ông Tô Lâm không thể kiêm nhiệm? Đây là sự khác biệt cơ bản, nếu xét về uy tín trong nội bộ Đảng, cũng như kinh nghiệm lãnh đạo.

Ông Trọng đã giữ chức Tổng Bí thư từ năm 2011 trước khi kiêm nhiệm Chủ tịch nước vào cuối năm 2018. Trong khi, ông Tô Lâm mới giữ chức Chủ tịch nước được hơn 3 tháng, và chưa tròn 1 tháng trên cương vị Tổng Bí thư.

Nói cách khác, ông Tô Lâm có hồ sơ làm “lãnh tụ” khá mỏng, so với những người tiền nhiệm. Tổng Bí thư Tô Lâm có lẽ chưa hội đủ điều kiện để nắm quyền lực tuyệt đối.

Vậy ai sẽ là người thay ông Tô Lâm trên cương vị Chủ tịch nước?

Giới phân tích đánh giá, Đại tướng Lương Cường là ứng cử viên nặng ký nhất cho vị trí này. Đồng thời, vị trí này có thể là bước đệm, để ông Lương Cường tranh chức Tổng Bí thư, tại Đại hội 14.

Đáng chú ý, Đại tướng Lương Cường – Thường trực Ban Bí thư, dù không còn phục vụ trong quân đội, nhưng vẫn được đánh giá là đại diện cho lợi ích của quân đội trong Bộ Chính trị. Việc Tướng Cường có thể giữ chức Chủ tịch nước, sẽ cân bằng ảnh hưởng giữa quân đội và công an.

 

Trà My – Thoibao.de