Liệu ông Putin có bị bắt giữ khi đến thăm Mông Cổ?

Ngày 31/8, RFI Tiếng Việt loan tin “Tòa án Hình sự Quốc tế và Ukraine yêu cầu Mông Cổ bắt giữ tổng thống Nga Putin”.

RFI cho biết, hôm 30/8, Tòa án Hình sự Quốc tế và Ukraine đã yêu cầu bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin, khi ông đến thăm Mông Cổ. Nhưng điện Kremlin tuyên bố không hề lo ngại.

Theo đó, Tòa án Hình sự Quốc tế vào tháng 3/2023 đã phát lệnh bắt giữ Tổng thống Putin, với cáo buộc đã đưa nhiều trẻ em Ukraine sang Nga. Cho tới nay, Moscow vẫn không công nhận toà án này, đã bác bỏ cáo buộc đó.

Theo RFI, lần đầu tiên kể từ có lệnh bắt giữ nói trên, vào thứ 3 tuần tới, ngày 3/9, ông Putin sẽ đến thăm một quốc gia thành viên của Tòa án Hình sự Quốc tế, đó là Mông Cổ. Với tư cách là nước tham gia Quy chế Roma thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế, Mông Cổ “có nghĩa vụ hợp tác” với định chế này, tức là, có nghĩa vụ phải bắt giữ Tổng thống Nga. Bộ Ngoại giao Ukraine cũng đã thúc giục chính quyền Mông Cổ chuyển giao ông Putin đến trụ sở của Tòa án Hình sự Quốc tế ở La Haye, Hà Lan.

Nhưng, RFI dẫn hãng tin AFP, cho hay, tuyên bố với các nhà báo, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định “không có gì đáng lo ngại”, vì “chúng tôi đối thoại rất tốt với những người bạn Mông Cổ của chúng tôi”.

RFI cũng cho biết, khi một quốc gia thành viên không thực hiện các nghĩa vụ đối với Tòa án Hình sự Quốc tế, tòa án này có thể đưa vấn đề ra cuộc họp các nước thành viên, được triệu tập mỗi năm một lần. Nhưng nếu Tòa án Hình sự Quốc tế có trừng phạt, thì đó cũng chỉ là khiển trách bằng lời nói, chứ không phải bằng văn bản.

Vẫn theo RFI, trong quá khứ, nhiều cá nhân bị Tòa án Hình sự Quốc tế phát lệnh bắt giữ, như nhà cựu độc tài Sudan Omar el-Bechir, từng đến các nước thành viên của Tòa án Hình sự Quốc tế mà không gặp rắc rối gì.

Tuy vậy, từ gần một năm rưỡi nay, Tổng thống Putin đã tránh đặt chân đến một số quốc gia, chẳng hạn, ông đã không đến dự Thượng đỉnh của nhóm BRICS ở Nam Phi vào tháng 8/2023, và Thượng đỉnh nhóm G20 ở Ấn Độ vào tháng 9/2023.

Cần nhắc lại, Tòa án Hình sự Quốc tế đã ban hành lệnh bắt giữ đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin và bà Maria Alekseyevna Lvova-Belova – Ủy viên về Quyền Trẻ em tại Văn phòng Tổng thống Liên bang Nga, vào ngày 17/3/2023, với cáo buộc về việc trục xuất và chuyển giao bất hợp pháp trẻ em từ các khu vực của Ukraine bị chiếm đóng sang Liên bang Nga, trong cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Đây là lệnh bắt giữ đầu tiên chống lại nhà lãnh đạo của một nước là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Sau lệnh bắt giữ trên, 123 quốc gia thành viên của Tòa án Hình sự Quốc tế có nghĩa vụ giam giữ, và giao ông Putin cho tòa án, nếu ông đặt chân lên lãnh thổ của họ.

Theo một bản tin trên VOA Tiếng Việt vào tháng 3/2023, một báo cáo của các nhà nghiên cứu ở Đại học Yale cho biết, Nga đã giam giữ ít nhất 6.000 trẻ em Ukraine tại các địa điểm ở Krym, bán đảo của Ukraine mà Moskva đã chiếm và sáp nhập vào năm 2014. Báo cáo xác định, ít nhất 43 trại và các cơ sở khác, nơi trẻ em Ukraine bị giam giữ, là một phần của “mạng lưới có hệ thống quy mô lớn” do Moscow điều hành, kể từ cuộc xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022.

Theo các công ước quốc tế, việc lưu đày trẻ vị thành niên bị coi là tội ác chống lại loài người, như Công ước Geneva năm 1949 về bảo vệ thường dân trong thời chiến, Công ước Liên Hợp Quốc về quyền của trẻ em, Công ước 1948 về việc phòng ngừa và trừng phạt tội ác diệt chủng, và Công ước bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản.

Hiện nay, một số quốc gia đã chính thức công nhận các sự kiện diễn ra ở Ukraine là một cuộc diệt chủng, do các lực lượng Nga gây ra.

 

Ý Nhi – thoibao.de