Bài toán nào hóa giải quyền lực Tô Lâm?

Sau khi đi Trung Quốc về, Tô Lâm chấp nhận nhả chiếc ghế Chủ tịch nước. Giới thạo tin cho rằng, có 3 ứng viên thay thế cho Tô Lâm ở ghế Chủ tịch nước, đó là: Lương Cường-Đại tướng, Thường trực Ban bí thư; Phan Văn Giang-Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; và ông Nguyễn Trọng Nghĩa-Thượng tướng Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

Điều đáng nói là cả 3 ứng viên đều là tướng quân đội. Trong quá khứ cũng từng có tướng quân đội nắm chức Chủ tịch nước, đấy là ông Lê Đức Anh. Ông Lê Đức Anh một thời là người có tiếng nói rất mạnh trong Bộ Chính trị. Nếu dựa vào quyền pháp định đối với Chủ tịch nước, ông Lê Đức Anh không có quyền lực lớn đến thế. Quyền lực của ông có được là từ những mối quan hệ trong quân đội. Tiếng nói của ông trong Bộ Quốc phòng còn hơn cả Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh dù ông Linh là Bí thư quân ủy Trung ương.

Ngồi ở tứ trụ, muốn mạnh phải nắm hoặc quân đội, hoặc Công an. Ông Nguyễn Phú Trọng nắm chắc Bộ Công an và giờ Tô Lâm vẫn thế. Nếu 1 trong 3 tướng quân đội lên làm Chủ tịch nước, rất có khả năng họ sẽ có tiếng nói rất mạnh chứ không như ông Nguyễn Xuân Phúc và Võ Văn Thưởng trước đây.

Trong 3 tướng quân đội, ông Phan Văn Giang đang có tiếng nói mạnh nhất. Theo một số ý kiến thời gian gần đây, ông Phan Văn Giang liên tục có những động thái được cho là đi ngược lại với đường lối ngoại giao của Tô Lâm. Ông Tô Lâm sang Bắc Kinh “triều kiến” thì sau đó ông Phan Văn Giang lại có chuyến thăm Philippines và sắp tới là chuyến thăm Mỹ. Theo đó, thái độ của ông đương kim Bộ trưởng Bộ Quốc phòng được cho là khá rõ ràng. Và có lẽ trong 3 ứng viên cho chiếc ghế Chủ tịch nước, ông Phan Văn Giang mới đủ khả năng tỏ thái độ như thế.

Sức mạnh của tướng Lương Cường và tướng Nguyễn Trọng Nghĩa đang là ẩn số. Ông Lương Cường được đánh giá là người thứ nhì có sức ảnh hưởng trong quân đội chỉ sau tướng Giang. Điều quan trọng là ông Lương Cường mới rời Bộ Quốc phòng nắm ghế Thường trực Ban bí thư cách đây chỉ hơn 3 tháng. Tức là những mối quan hệ của ông trong quân đội vẫn chưa “nhạt” theo thời gian.

Riêng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa được cho là yếu nhất trong 3 tướng. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa ra khỏi quân đội nắm chức Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương từ năm 2021. Với lại, khi còn ở trong Bộ Quốc phòng, ông Nghĩa là cấp phó của tướng Lương Cường. Hầu hết những mối quan hệ trong quân đội, ông Nghĩa đứng sau lưng ông Cường.

Nếu ông Phan Văn Giang ngồi ghế Chủ tịch nước, đây là kịch bản không mong muốn với Tô Lâm. Bởi những gì ông Phan Văn Giang có được, có thể cân bằng quyền lực với Tô Lâm bằng công thức “Tứ trụ+Quân đội” còn Tô Lâm thì có “Tứ trụ+ Công an”. Đáng nói là ông Phạm Ngọc Hùng – tổng cục trưởng Tổng Cục 2 là người “cùng hội cùng thuyền” với tướng Phan Văn Giang. Tướng Hùng đang bảo vệ bí mật vụ AIC cho ông Phan Văn Giang lẫn ông Phạm Minh Chính.

Nếu ông Lương Cường hoặc Nguyễn Trọng Nghĩa ngồi vào ghế Chủ tịch nước, sức mạnh không như Tướng Giang được. Bởi sức ảnh hưởng hai người này trong quân đội không mạnh bằng ông Phan Văn Giang. Tuy nhiên, nếu người này bỏ qua mâu thuẫn bắt tay với Phan Văn Giang thì công thức “Tứ trụ+Quân đội” vẫn được đảm bảo.

Giờ đây muốn cân bằng quyền lực với Tô Lâm thì chỉ có quân đội mới làm được. Trong quá khứ, chưa có 2 nhóm quyền lực “tứ trụ+quân đội” và “tứ trụ+Công an” tồn tại song song. Tuy nhiên, nếu quân đội đoàn kết thì họ hoàn toàn có thể tạo nên một nhánh cân bằng với nhánh do Tô Lâm làm chủ.

Từ đây đến Hội nghị Trung ương 10 chỉ khoảng 1 tháng nữa, liệu quân đội có sắp xếp được thỏa thuận với nhau để đảm bảo hình thành nhóm quyền lực mới hay không? Quân đội đã không đoàn kết để Tô Lâm vượt lên, và giờ đây họ cần ngồi lại. Bộ Chính trị đã bị Tô Lâm nắm thóp, nếu Quân đội không thống nhất, thì có thể nói họ sẽ chẳng còn cơ hội nào tốt hơn.

Thái Hà-Thoibao.de