Ngày 2/9 vừa qua, báo chí quốc doanh đồng loạt đưa tin, ông Tô Lâm – Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước, đã đến tận nhà, thăm gia đình nhạc sĩ Văn Cao và họa sĩ Bùi Trang Chước. Nếu trong vai trò là Bộ trưởng Bộ Công an, ông Tô Lâm khó mà chọn đến thăm những gia đình này.
Khi làm Tướng Công an, ông Tô Lâm chỉ biết đánh dân, bắt cóc, khủng bố, đe dọa, triệt đường sống của dân vv… miễn sao được việc cho Đảng và cho Tổng Trọng. Đấy là lúc mà ông Tô Lâm bộc lộ rõ bản chất là một người vô tâm, xem dân như cỏ rác. Lúc dân khốn khổ vì dịch bệnh, hàng vạn người chết và hàng triệu người khốn khổ, thì ông lại ung dung sang London thưởng thức món thịt bò dát vàng thượng hạng. Trong hoàn cảnh đó, nếu là người thực sự yêu dân, yêu nước, không ai có thể nuốt trôi miếng thịt bò thượng hạng, dù nó ngon đến cỡ nào chăng nữa.
Phản trắc, nhẫn tâm, bất chấp lẽ phải, bất chấp luật pháp… là những “vốn quý” của Tô Lâm. Chính vì vậy, ông mới được ông Nguyễn Phú Trọng trọng dụng. Nhờ đó, ông mới có thể âm thầm xây dựng lực lượng Hưng Yên trở thành thế lực hùng mạnh, đợi ngày tạo phản giành lấy ngôi báu. Với nhân cách như vậy, chỉ có thể gọi Tô Lâm là gian hùng. Nếu là anh hùng, thì phải có lòng trắc ẩn với dân, phải tôn trọng luật pháp, phải biết lẽ phải v.v… trong khi, Tô Lâm hoàn toàn ngược lại.
Giờ đây, sau khi đoạt được “ngôi báu”, tức là đã đạt được ước mơ “trị quốc”, thì có vẻ, Tô Lâm lại muốn xây dựng ước mơ “bình thiên hạ”. Nhưng như bao lãnh tụ Cộng sản trước đây, Tô Lâm “làm màu” để tuyên truyền mị dân, chứ không phải thực tâm xây dựng đất nước.
Nhạc sĩ Văn Cao và họa sĩ Bùi Trang Chước vốn có được vị trí vững chắc trong lòng công chúng, đặc biệt là với giới trí thức. Việc Tô Lâm đến thăm gia đình 2 nghệ sĩ này, là cách xây dựng hình ảnh một Tổng Bí thư biết quan tâm đến nhân sĩ trí thức, quan tâm tới nhân dân v.v… Có thể nói, ông muốn xây dựng hình ảnh một lãnh đạo “có tầm”.
Tuy nhiên, một lãnh đạo “có tầm” hay không, thể hiện ở các chính sách của họ. Trước hết, cần trả lại cho dân những quyền vốn có, là những quyền đã được hiến định, như quyền tự do ngôn luận, quyền lập hội, quyền biểu tình, quyền bất đồng chính kiến v.v… Xa hơn, cần trả lại cho đất nước nền dân chủ thực sự, để dân có cơ hội xây dựng đất nước.
Chỉ mới lên Tổng Bí thư không lâu, nhưng Tô Lâm đã đem lại một không khí ngột ngạt, qua việc “xuỵt” cho dư luận viên đấu tố cờ vàng, phát động chiến dịch sơn cờ đỏ… Và mới đây là vụ đấu tố nam sinh “Đường Lên Đỉnh Olympia”, chỉ vì em dám bày tỏ chính kiến trái ý Đảng. Có thể nói, dưới thời Tô Lâm, người dân phải sống trong điều kiện bị thành phần tay sai của Đảng rình rập từng giây từng phút.
Hình ảnh Tô Lâm thăm 2 tượng đài lớn trong giới nghệ sĩ, đã được một số cây bút được đánh giá là có uy tín, khen ngợi. Có thể thấy, ông đã phần nào đó thành công, khi tự đắp cho mình tấm mặt nạ là Tổng Bí thư “có tầm”. Nhưng thật sự, bản chất của Tô Lâm sẽ không thay đổi, dù ở bất kỳ vị trí nào.
Lên làm Tổng Bí thư, chắc chắn không làm cho Tô Lâm thay đổi bản chất. Bởi những điều đó chính là chất liệu giúp ông đoạt ngôi báu, cũng như, sẽ giúp ông giữ vững ngôi báu này. Nếu thay đổi, ông sẽ yếu đi trước các thế lực khác.
Cũng giống như bao Tổng Bí thư khác, với bộ máy tuyên truyền khổng lồ trong tay, Tô Lâm sẽ không bỏ qua cơ hội đắp cho mình một tấm mặt nạ mới – mặt nạ “vĩ nhân”. Tuy nhiên, với thời đại internet, chẳng mặt nạ nào giấu được mặt thật của ông.
Trần Chương – Thoibao.de