Vụ VNG, có phải Tô Lâm và Nguyễn Trọng Nghĩa đang “choảng nhau”?

Chiều 6/9, hàng loạt báo nhà nước đồng loạt đăng tin, có hàng trăm cảnh sát xuất hiện tại trụ sở Công ty Cổ phần VNG. Tuy nhiên, chưa đầy một giờ sau, các báo lại đồng loạt rút tin này xuống.

Đây là một trường hợp khá bất thường, vì, có vẻ như, thượng tầng chính trị không thống nhất với nhau trong việc xử lý Công ty VNG, cả về mặt luật pháp và về mặt truyền thông. Nói đơn giản là, công an và truyền thông đang “đá nhau” trong việc xử lý sai phạm của công ty này.

Được biết, VNG là Công ty có cổ phần của các tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc, như Tencent và Ant Group. Nhiều phần mềm do VNG phát triển, như Zalo hay Zalopay, đã bị người sử dụng Việt Nam đặt nghi vấn.

Một doanh nghiệp có dính líu đến Trung Quốc, vốn là một loại doanh nghiệp bất khả xâm phạm, bởi động chạm đến quan hệ ngoại giao giữa 2 nước.

Theo thông lệ, mỗi Tổng Bí thư Việt Nam mới “lên ngôi”, thì đều sang Bắc Kinh “đảnh lễ”. Điều đó cho thấy, Trung Quốc đang chi phối rất mạnh đối với Đảng Cộng sản Việt Nam.

Những ngày gần đây, thượng tầng chính trị đang tỏ ra có sự bất nhất trong chính sách ngoại giao. Ông Tô Lâm vội vã sang Bắc Kinh diện kiến, tìm kiếm sự thừa nhận. Trong khi, lãnh đạo quân đội thì lại thực hiện liên tiếp 2 chuyến thăm khiến Bắc Kinh không vừa lòng. Đó là chuyến thăm Philippines và cuối tháng 8, và chuyến thăm Mỹ hiện nay của ông Phan Văn Giang.

Tuy nhiên, những chuyến đi này của ông Giang là chống Tô Lâm hay chống Bắc Kinh, thì vẫn chưa rõ. Khả năng cao là chống Tô Lâm, bởi bắt tay với Mỹ mà vẫn trong giới hạn cho phép của Bắc Kinh, thì không phải là chống Trung Quốc.

Hiện nay, người nắm Ban Tuyên giáo Trung ương là ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Thượng tướng, Uỷ viên Bộ Chính trị. Ông Nghĩa là một trong 2 vị tướng quân đội, được ông Trọng kéo về Ban Bí thư, để gia cố ban này. Giờ đây, Ban Bí thư đã do ông Tô Lâm làm chủ, thì những người được ông Trọng cơ cấu, một là phải thích nghi với chủ mới, hai là phải rời khỏi Ban Bí thư.

Việc báo chí rút bài về vụ VNG cho thấy 2 điều. Thứ nhất là ông Nguyễn Trọng Nghĩa dùng Tuyên giáo để chống lại ông Tô Lâm. Thứ nhì, có thể, thế lực thân Tàu gây áp lực, buộc báo chí phải rút bài.

Như vậy, cả 2 lần trái ý Tô Lâm đều do phía quân đội làm. Một lần do ông Phan Văn Giang, một lần do ông Nguyễn Trọng Nghĩa. Liệu rằng, đây có phải là chủ trương của phe quân đội, muốn đối đầu với phe công an hay không? Có lẽ, cần thêm thời gian để kiểm chứng.

Những ngày gần đây, có luồng dư luận hy vọng chính quyền Cộng sản xích lại gần hơn với Mỹ, đặc biệt là trong vấn đề an ninh quốc phòng. Cuộc chiến Ukraine đã chứng minh sức mạnh của vũ khí Mỹ. Việt Nam rất cần một hợp đồng mua vũ khí tối tân của Mỹ, như Đài Loan đã và đang làm, để có thể hiên ngang, tự quyết, mà không cần phải rụt rè trước Bắc Kinh.

Mới đây, tờ The New York Times – một tờ báo lớn của Mỹ, được Việt Nam cho phép đặt văn phòng thường trú tại Việt Nam. Tuy nhiên, đây chỉ là một bước xích lại gần Mỹ trong giới hạn. Vì dù báo Mỹ có mặt ở Việt Nam, thì cũng chỉ có tác dụng thuận tiện hơn trong việc đưa tin về tình hình Việt Nam, chứ không đủ sức mạnh để gây ảnh hưởng đến quan hệ quốc tế. Khi nào Việt Nam mua được máy bay F16, tàu ngầm, hay nhiều loại vũ khí tối tân khác, mà Ukraine đang sử dụng, thì lúc đó, có thể tin rằng, giới lãnh đạo Việt Nam dám “phá lằn ranh”, tiến gần đến Mỹ hơn.

Hai lần phe quân đội đi lệch hướng Tô Lâm, cũng chưa thể cho thấy, có phe nào thân Mỹ trong Đảng. Điều này chỉ cho thấy, Đảng không thống nhất về đường lối, và các phe đang phá nhau.

Để có thể đánh giá xem có phe thân Mỹ hay không, thì cần thêm những chính sách táo bạo hơn nữa, trong quan hệ ngoại giao với Mỹ. Đợi xem!

 

Thái Hà – Thoibao.de