Chi 300 tỷ/năm cho việc bảo vệ lăng, nhưng Đảng lại bỏ dân tự bơi trong nước lũ!

Những ngày qua, chính quyền đã rất lúng túng trong vấn đề cứu hộ cứu nạn cho dân. Lực lượng cứu hộ không chuyên nghiệp, thiết bị và dụng cụ cứu hộ như trực thăng, xuồng máy chuyên dùng vv… không xuất hiện. Thậm chí, việc người dân kêu cứu lại bị quan đầu tỉnh bịt miệng, bằng sự phủ nhận trên báo chí.

Ngân sách chi cho ngành Công an trên 100 ngàn tỷ mỗi năm. Bộ Công an dư tiền nên xây nhà hát ngàn tỷ, tượng đài trăm tỷ khắp nơi. Ấy vậy mà, khi lũ lụt đến, lực lượng này không có phương tiện chuyên dùng cần thiết, để cứu hộ cho dân. Thậm chí, ông Phạm Minh Chính còn lên báo kêu gọi dân giúp dân.

Năm 2024, Trung ương duyệt chi cho đội ngũ bảo vệ lăng Ba Đình là 291 tỷ đồng. Ngoài ra, trên toàn lãnh thổ Việt Nam, số lượng tượng đài Hồ Chí Minh và các tượng đài khác, tiêu tốn hàng trăm tỷ tiền thuế của dân.

Nhìn qua Thái Lan, người ta chỉ đặt những bức ảnh vị vua của họ, tại một số vị trí công cộng, để bày tỏ lòng tôn kính của họ đối với nhà vua, rất ít tốn kém so với việc xây tượng đài.

Không phải chỉ đến khi lũ lụt xuất hiện, thì sự bất cập của chính quyền mới bị phơi bày. Những vụ hoả hoạn thỉnh thoảng xảy ra, cũng bày ra sự thiếu chuyên nghiệp của lực lượng chữa cháy, thiếu đầu tư trang thiết bị cần thiết. Do đó, trong hầu hết các vụ thảm hoạ, thì hậu quả đều rất tàn khốc.

Khi thiên tai xảy đến, những tượng đài nghìn tỷ tồn tại khắp Việt Nam, tiêu tốn hàng trăm, hàng nghìn tỷ mỗi năm, lại trở thành những thứ vô dụng, không giúp ích được gì cho người dân trong lúc nguy cấp.

Mạng xã hội đã lên tiếng về tình trạng này từ nhiều năm qua, nhưng chính quyền vẫn “mắt mờ tai điếc”, không nghe, không thấy. Khi tiếng kêu thảm thiết của người dân vang lên trên mạng xã hội, thì lại bị chính quyền quy chụp là “tung tin thất thiệt”. Để rồi, họ vẫn không thèm đầu tư trang thiết bị cứu dân, trong những lần thiên tai sau đó.

Đảng luôn tự vỗ ngực rằng, họ là “nhà nước của dân, do dân và vì dân”. Nhưng trên thực tế, họ xem trọng lăng lãnh tụ, cổng chào và tượng đài, hơn sinh mạng người dân. Họ đặt ra các điều luật hà khắc, để móc túi dân bằng đủ thứ thuế. Nhưng lại không hề lo cho an sinh của người dân, cũng như chuẩn bị phương tiện cứu dân trong hoạn nạn, ngoài việc cho tuyên giáo hô hào suông.

Điều này thuộc về bản chất của chế độ, và lặp đi lặp lại từ năm này đến năm khác.

Tuyên giáo là thành trì của Đảng, là công cụ để ca tụng, tung hô Đảng. Và Đảng chỉ cần diễn trò trên mặt báo, chứ không cần hành động thực tế để cứu dân.

Cứ mỗi khi lũ đến, các ông quan to nhỏ, từ Trung ương đến tỉnh, huyện, xã… lại đội nón cối, mặc áo mưa, kéo theo bồ đoàn, ra hiện trường “thị sát”. Rồi báo chí lao vào chụp ảnh, quay phim, tung hô là Thủ tướng, bộ trưởng, tỉnh uỷ… quan tâm sâu sát đến những mất mát của người dân.

Tuy nhiên, đó chỉ là những hành động “màu mè”, có chút thiết thực nào đó, thì chỉ là động viên tinh thần của lực lượng cứu hộ. Nhưng điều này không quan trọng bằng việc chuẩn bị trước phương tiện cứu hộ, cũng như đào tạo lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp. Mà nếu muốn chuẩn bị trước, thì phải hạn chế chi tiêu những việc vô bổ, như xây tượng đài, cổng chào…

Ban Tuyên giáo là một công cụ vô cùng độc hại cho dân cho nước. Chính họ đã vẽ mặt nạ cho Đảng, vẽ mặt nạ cho quan chức, qua đó, giúp cho những ông quan từ Trung ương đến địa phương, không cần phải nỗ lực để lo cho dân.

Mọi vấn đề liên quan đến dư luận bất lợi cho Đảng, thì đã có tuyên giáo và công an lo. Tuyên giáo thì phủ nhận sự thật, công an thì bắt nhốt người đưa tin, vậy là đủ để dập tắt mọi tin xấu, bảo vệ chiếc mặt nạ cho Đảng và quan chức.

 

Thái Hà – Thoibao.de