Vì sao các hãng công nghệ lớn của Mỹ không đầu tư vào Việt Nam?

Trong chuyến công cán Hoa Kỳ từ ngày 21 đến 26/9 vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tiếp xúc và gặp gỡ với một số Tập đoàn công nghệ hàng đầu như Google, Meta… Đồng thời, ông cũng đề nghị phía Mỹ giúp đỡ Việt Nam phát triển về công nghệ trong những lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học….

Theo công bố của hãng công nghệ Microsoft, Tập đoàn này sẽ đầu tư vào dịch vụ đám mây trị giá 1,7 tỷ USD tại Indonesia, trong lúc Amazon tiết lộ kế hoạch đầu tư 9 tỷ USD tại Singapore, 5 tỷ USD vào Thái Lan, và 6,2 tỷ USD vào Malaysia v.v…

Mới nhất, ngày 1/10 vừa qua “gã khổng lồ” Google vừa công bố đầu tư tổng cộng $3 tỷ vào Malaysia và Thái Lan để xây dựng các trung tâm dữ liệu. Đáng chú ý, quyết định vừa kể được đưa ra sau khi Google cân nhắc sẽ đầu tư vào Việt Nam hồi tháng 8/2024.

Khi đó, trên mạng xã hội Việt Nam chia sẻ các thông tin cho rằng, Google đang xem xét xây dựng một trung tâm dữ liệu quy mô lớn tại Sài Gòn. Điều đó đã thu hút sự chú ý của công luận trong nước cũng như truyền thông quốc tế.

Nhưng cuối cùng, Google lại lựa chọn Malaysia và Thái Lan là hai quốc gia Đông Nam Á khác, khiến Việt Nam lỡ mất một cơ hội thu hút đầu tư lớn.

Chỉ riêng khoản đầu tư 2 tỷ USD của Google vào Malaysia, sẽ tạo ra 26.500 việc làm, đồng thời đóng góp hơn 3 tỷ USD vào GDP của Malaysia tính đến năm 2030. Tương tự, việc đầu tư 1 tỷ đô la vào Thái Lan, cũng sẽ tạo ra trung bình khoảng 14.000 việc làm mỗi năm, từ nay đến năm 2029.

Vì lý do gì Google đầu tư 3 tỷ USD vào Malaysia và Thái Lan nhưng bỏ qua thị trường Việt Nam?

Theo giới chuyên gia đầu tư quốc tế, Việt Nam đã gặp bất lợi khi cạnh tranh với 2 nước vừa kể bởi những hạn chế về các mặt bao gồm: chất lượng nhân lực, cơ sở hạ tầng và sự can thiệp của chính phủ vào hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, lý do quan trọng nhất đã khiến cho Việt Nam để lỡ dự án của Google là vấn đề thể chế chính trị. Hệ thống chính trị độc đảng ở Việt Nam là điều hoàn toàn khác với thể chế chính trị dân chủ đa đảng ở Malaysia và Thái Lan.

Hai quốc gia vừa kể có hệ thống tam quyền phân lập, có đảng đối lập và tiếng nói người dân được coi trọng. Đó là những yếu tố cần thiết để đảm bảo cho việc giám sát, và điều chỉnh quyền lực để đảm bảo tính công khai và minh bạch.

Cũng vậy, hồi tháng 4/2024, CEO Apple Tim Cook đến thăm Việt Nam với nhiều hứa hẹn tốt đẹp, nhưng ngay sau khi Tim Cook rời Việt Nam, tập đoàn Apple đã quyết định đầu tư nhà máy của họ tại Indonesia.

Bên cạnh những lý do kể trên, yếu tố năng lượng – điện năng không ổn định, cũng như hạ tầng internet của Việt Nam vẫn chưa ổn định, tình trạng đứt cáp biển, giảm băng thông quốc tế vẫn thường xuyên xảy ra, đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài.

Mới nhất, Hoa Kỳ đã đưa ra các cảnh báo đối với chính quyền Việt Nam, về dự định giao cho Trung Quốc đặt các tuyến cáp quang dưới biển, sẽ là mối đe dọa đến an ninh mạng, bảo mật dữ liệu, là điều rất nguy hiểm, và là những thách thức lớn trong việc thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao.

Luật An ninh mạng của Việt Nam đã tạo ra một rào cản tương đối lớn, theo đó nhà nước đã yêu cầu các công ty công nghệ, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài, phải lưu trữ dữ liệu người dùng trong nước.

Đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp này phải đặt máy chủ, và trung tâm dữ liệu tại Việt Nam. Đây là vấn đề vi phạm nhân quyền, mà các doanh nghiệp phương Tây khó có thể chấp nhận.

Chính quyền Việt Nam lấy lý do vì đảm bảo an ninh quốc gia, nhưng là điều các công ty công nghệ khó có thể chấp nhận, vì nhu cầu hoạt động độc lập của họ. Dẫn tới việc họ không cảm thấy thoải mái khi quyết định đầu tư vào Việt Nam.

 

Trà My – Thoibao.de