Nhiều ý kiến xoay quanh phương án miễn học phí hay bỏ các khoản thu vô lý

Ngày 3/10, RFA Tiếng Việt bình luận “Cần miễn học phí hay bỏ mọi khoản thu khác?”.

RFA cho biết, học sinh từ mầm non đến hết lớp 12 tại 6 tỉnh, thành Việt Nam, gồm Quảng Ninh, Quảng Nam, Khánh Hòa, Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu, và Đà Nẵng, sẽ được miễn đóng học phí 100%, trong năm học 2024 – 2025.

RFA dẫn quan điểm của nhà giáo Đỗ Việt Khoa về vấn đề này:

“Thực sự mà nói, mức học phí nhà nước quy định ở các trường công lập đều rất thấp, mỗi tháng chỉ từ 150 ngàn đến 300 ngàn thôi. Học phí thì không đáng kể, nhưng thực tế, các khoản thu trái phép mà các trường bịa ra để thu ngoài quy định là rất lớn. Lớn gấp nhiều lần học phí công lập nhà nước quy định.”

“Khoảng 20 năm nay, tất cả các cấp lãnh đạo đều biết tình trạng thu ngoài quy định, nhưng họ im lặng. Khi báo chí phản ánh thì xử lý đối phó. Xong đâu lại vào đấy… Theo tôi, phải cấm tiệt các khoản thu trái phép. Học phí để nguyên cũng được”.

RFA dẫn nhận định của Phó giáo sư -Tiến sĩ Hoàng Dũng:

Ở Việt Nam hiện nay, thực tế vẫn chưa có giáo dục miễn phí cho học trò, khi nói miễn phí là nói trên danh nghĩa thôi, còn người ta vẫn phải nộp tiền này tiền kia đủ các thứ.”

RFA nhắc lại, chiều 30/5/2018, phát biểu tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội, về sửa đổi 2 dự án luật giáo dục, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã đề nghị miễn học phí cho học sinh cấp 2.

Tuy vậy, tại Hội nghị triển khai thực hiện đề án ủy quyền và đề án thu nhập tăng thêm, của Uỷ ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, diễn ra sáng 9/11/2018, ông Nguyễn Thiện Nhân lại phát biểu rằng, thành phố Hồ Chí Minh sẽ giảm tối đa mức học phí, thay vì miễn học phí cho cấp trung học cơ sở.

Theo RFA, khi năm học 2023 – 2024 mới bắt đầu được hơn một tháng, truyền thông nhà nước đã đưa tin về hàng loạt trường học bị phát hiện lạm thu.

RFA dẫn lời ông Lê Như Tiến – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục, phát biểu trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, rằng:

“Với những cơ sở giáo dục để xảy ra lạm thu, tôi đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu – hiệu trưởng nhà trường. Hiệu trưởng phải kiểm điểm trước cơ quan cấp trên là Sở Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo, để không xảy ra tình trạng tương tự. Hơn nữa, không chỉ dừng lại ở kiểm điểm, mà phải thi hành kỷ luật, thậm chí, nếu cần thiết có thể xem xét cách chức hiệu trưởng.”

RFA cũng cho biết, ngoài 6 tỉnh/ thành miễn 100% học phí từ cấp mầm non đến trung học, thì một số tỉnh, thành khác cũng có chính sách giảm học phí cho học sinh các cấp. Tại Sài Gòn, Ủy ban Nhân dân đề xuất giảm học phí cho tất cả các bậc học, từ mầm non đến trung học phổ thông. Trong đó, bậc trung học cơ sở giảm học phí xuống còn 1 phần 5, so với năm học trước.

RFA dẫn ý kiến của bà Lan, một phụ huynh có con học cấp 2 ở Sài Gòn, cho rằng:

“Tôi không cần miễn học phí. Cái tôi cần là bỏ hết các khoản thu đầu năm học, như: kinh phí hoạt động cho ban đại diện cha mẹ học sinh lớp; kinh phí hoạt động cho ban đại diện cha mẹ học sinh trường; tiền bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; tiền trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; tiền học thêm trong nhà trường; thu tiền viện trợ, quà biếu; thu tài trợ; tiền đồng phục…”

“Những cái đó nhà nước phải lo, không phải việc của phụ huynh học sinh”.

RFA cho biết thêm, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trường công lập là trường học trực thuộc của nhà nước, Trung ương hoặc địa phương. Các khoản kinh phí, đất đai, nhà cửa, cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ hỗ trợ học tập ở trường học… đều được trang bị từ nguồn vốn nhà nước.

 

Ý Nhi – thoibao.de