Cần đánh giá cặn kẽ về việc kết nối đường sắt Việt Nam với Trung Quốc

Ngày 7/10, BBC Tiếng Việt bình luận “Đường sắt Việt Nam nối với Trung Quốc: Lợi hại thế nào và liệu có khả thi?”

Theo đó, các tuyến đường sắt liền mạch được coi là rất quan trọng cho chuỗi cung ứng, khi ngày càng nhiều nhà sản xuất Trung Quốc chuyển hướng hoạt động xuất khẩu sang Việt Nam, trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ gia tăng.

BBC cho biết, được hai nước thông qua vào năm 2004, hợp tác phát triển 2 hành lang, 1 vành đai kinh tế Việt Nam – Trung Quốc, bao gồm hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, hành lang kinh tế Nam Ninh – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng và vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ. Các tuyến đường này có ý nghĩa to lớn, để kết nối chiến lược 2 nền kinh tế.

Theo BBC, trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tham dự lễ ký kết các văn bản hợp tác, tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, vào ngày 19/8, trong đó có hợp tác đường sắt.

Ba tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn, kết nối Việt Nam – Trung Quốc, bao gồm:

  • Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng
  • Lạng Sơn – Hà Nội
  • Móng Cái – Hạ Long – Hải Phòng

Vẫn theo BBC, trước đó, vào ngày 27/6, tại Bắc Kinh, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Quốc Thanh, đã nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của 3 tuyến đường sắt nói trên, giúp Việt Nam kết nối với Trung Á, châu Âu qua Trung Quốc, và giúp Trung Quốc kết nối với ASEAN qua Việt Nam.

BBC dẫn lời một chuyên gia đường sắt từ Việt Nam, nói rằng:

Phạm vi và quy mô hợp tác đầu tư phát triển đường sắt giữa 2 quốc gia khá lớn, dự kiến sẽ kéo dài trong nhiều năm.”

Hạ tầng đường sắt của Việt Nam có từ thời Pháp thuộc, và có khổ đường ray khác với đường sắt cao tốc của Trung Quốc, buộc hành khách cũng như hàng hóa phải đổi tàu.

Chuyên gia đường sắt cho biết:

Điểm dễ thấy nhất là, Việt Nam có cơ hội lớn để tận dụng nguồn vốn từ phía Trung Quốc, cường quốc kinh tế lớn thứ 2 thế giới, và là đang được đánh giá là láng giềng ngày càng thân thiện. Nhưng đánh giá và quản trị các rủi ro khả dĩ, khi vay nguồn vốn từ Trung Quốc để phát triển cơ sở hạ tầng, đang là thử thách lớn cho Việt Nam.

“Chắn chắn, trong các điều khoản hợp tác, Việt Nam mong muốn Trung Quốc trao đổi và chuyển giao công nghệ đường sắt, để tự mình có thể phát triển. Nhưng đây chắc chắn chưa bao giờ là vấn đề dễ dàng, dù Trung Quốc đang là cường quốc số một.”

Trong 3 đại dự án đường sắt mà chúng tôi nêu ở trên, Việt Nam không nhắc đến Trung Quốc trong dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, có mức đầu tư gần 70 tỷ USD mà Quốc hội sắp tiến hành biểu quyết. Nhưng những người am hiểu về công nghệ đường sắt cao tốc cho rằng, Trung Quốc vẫn là “nhân tố bí mật” trong một dự án, mà Nhật Bản là cái tên được nhắc nhiều nhưng chưa hẳn đã giành thắng lợi – vị chuyên gia cho biết thêm.

BBC dẫn ý kiến của các chuyên gia, nói rằng, với các tuyến đường sắt trên, Việt Nam có thể kết nối với Trung Á, châu Âu qua Trung Quốc; và Trung Quốc kết nối với ASEAN qua Việt Nam, trong đó, tỉnh Vân Nam của Trung Quốc sẽ có đường ra biển gần hơn khi đi qua Việt Nam.

BBC cho biết thêm, theo Hiệp định liên chính phủ về mạng lưới đường sắt Xuyên Á, mà Việt Nam tham gia từ năm 2006, có hiệu lực từ 12/2009, mạng lưới Đường sắt xuyên Á tại khu vực ASEAN đều phải thông qua Trung Quốc, để kết nối đến các quốc gia châu Á khác, thông qua hai điểm trung chuyển tại Trung Quốc là Côn Minh và Nam Ninh.

 

Quang Minh – thoibao.de