Miễn học phí cho con của giáo viên: Di sản của cố Tổng Bí thư Trọng và “lợi ích nhóm”

Ngày 8/10, truyền thông nhà nước đưa tin, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang xem xét Dự thảo Luật Nhà giáo, sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 sắp tới. Dự thảo Luật Nhà giáo đề xuất, miễn học phí từ mầm non đến đại học cho con của giáo viên đang công tác. Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, để thực hiện việc miễn học phí cho con giáo viên, cần hơn 9.200 tỷ đồng/ năm.

Ngay lập tức, mạng xã hội đã “dậy sóng”, khi có nhiều ý kiến cho rằng, đây là một đề xuất không biết nên khóc hay nên cười. Nếu dự thảo này được thông qua, thì có lẽ, các thầy cô giáo ở Việt Nam thuộc hàng được “ưu ái” độc nhất vô nhị trên thế giới.

Nhưng đề xuất này sẽ tạo ra một sự bất bình đẳng giữa các thành phần, các nghề nghiệp khác nhau trong xã hội, thậm chí còn là biểu hiện của “lợi ích nhóm”.

Bởi vì, nếu con nhà giáo – kể  cả con nuôi – được miễn học phí, thì thử hỏi, con công nhân, nông dân và các thành phần khác, là công dân “hạng mấy” mà không được miễn học phí? Trong khi, tất cả mọi người đều là công dân Việt Nam.

Vậy, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Nguyễn Kim Sơn và Đảng Cộng sản Việt Nam nghĩ gì, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng”?

Đề xuất nói trên còn tạo ra một tiền lệ, theo đó, con cán bộ ngành điện có thể sẽ được miễn đóng tiền điện; con cán bộ ngành y tế được chữa bệnh miễn phí; con cán bộ ngành thuế thì được miễn tất cả các loại thuế…

Trong hơn 13 năm cầm quyền, cố Tổng Bí thư Trọng đã để lại nhiều “di sản” hết sự tệ hại. Đặc biệt các nhân sự lãnh đạo ngành giáo dục thiếu năng lực trầm trọng. Việc Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Kim Sơn đề xuất miễn học phí cho con giáo viên, kể cả con nuôi, là một chính sách biết trước sẽ gặp phản ứng, và gần như chắc chắn không được Quốc hội thông qua; là một bằng chứng cụ thể.

Nhắc đến lãnh đạo Bộ Giáo dục dưới thời cố Tổng Bí thư Trọng, không thể không nhắc đến cựu Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ – một Bộ trưởng quá nhiều tai tiếng và yếu kém.

Dư luận từng đánh giá, nhiệm kỳ 5 năm trên cương vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục của ông Nhạ, là chuỗi dài của rất nhiều thất bại nối tiếp nhau. Đặc biệt, vấn đề kinh doanh sách giáo khoa bậc tiểu học, đã bị phản ứng rất dữ dội từ các bậc phụ huynh.

Một số vụ bê bối khác trong ngành giáo dục dưới thời Bộ trưởng Nhạ, từng gây rúng động công luận Việt Nam, như vụ nhiều nữ giáo viên trẻ ở thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh, năm 2016, bị lãnh đạo nhà trường điều đi tiếp khách.

Trong lúc ăn uống, hát hò, các nữ giáo viên còn bị “các vị khách” – là lãnh đạo trong tỉnh, “ôm eo, bá cổ”. Tuy nhiên, lãnh đạo ngành giáo dục thị xã nói với báo chí rằng, đây là nhiệm vụ “chính trị”, mà ngành cần đáp ứng.

Đó là chưa kể đến vấn nạn gian lận trong thi cử, nâng khống điểm ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hoà Bình… trong kỳ thi tốt nghiệp Phổ thông Trung học Quốc gia năm 2018. Cùng lúc là tệ nạn cấp bằng giả tràn lan, mà điển hình là vụ việc ở Đại học Đông Đô. Trường này đã cấp văn bằng 2, cử nhân ngôn ngữ Anh cấp tốc, cho khoảng 600 – 700 người, với giá từ 28 – 35 triệu đồng một bằng. Trong số những người mua bằng, có nhiều người là cán bộ, công chức nhà nước.

Xin nhắc lại, tháng 11/2018, tại Phủ Chủ tịch, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “nhìn tổng thể giáo dục của chúng ta chưa bao giờ được như bây giờ”.

Dư luận cho rằng, cần thay đổi căn bản về tư duy, và phải xây dựng được hệ thống giáo dục cho con người, chứ không phải là hệ thống giáo dục vì quyền lợi của các nhóm lợi ích, thì lúc đó, nền giáo dục Việt Nam mới có thể “cất cánh”.

 

Trà My – Thoibao.de