Phải chăng Thủ tướng Chính tìm mọi cách tạo điều kiện và làm lợi cho Bắc Kinh?

Sau hơn 2 tháng nhậm chức Tổng Bí thư, ông Tô Lâm đã có một số động thái, được cho là thách thức đối với Bắc Kinh, nhất là các vấn đề liên quan đến chủ quyền ở Biển Đông;  trong khi đẩy mạnh quan hệ với Hoa Kỳ và phương Tây. Thậm chí có nhận định cho rằng, Tô Lâm không giấu giếm ý đồ chống Bắc Kinh.

Theo một số đánh giá, Việt Nam có một sự tính toán chủ ý, khi tập trung ưu tiên nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, với tất cả các quốc gia chủ chốt tham gia vào “NATO châu Á”, trong chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, như Mỹ, Nhật, Ấn, Úc, Hàn Quốc, đã cho thấy.

Đáng chú ý, cho tới nay giới chức tướng lĩnh quân đội vẫn “im hơi, lặng tiếng”, không có phản ứng công khai như đồn đoán.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, trên cương vị Thủ tướng, ông Phạm Minh Chính vẫn miệt mài với chức trách của mình. Người ta ít thấy, hay thậm chí không thấy, ông Chính có các biểu hiện can dự vào chuyện nội bộ của Đảng. Nhưng có suy đoán cho rằng, đằng sau các chủ trương của Chính phủ Việt Nam, dường như, ông Chính đang cố tình làm lợi cho Trung Quốc.

Thí dụ như, trong khi các hãng công nghệ lớn của Hoa Kỳ có một 9số nghi ngại, và không dám đầu tư vào Việt Nam, thì giới chức Chính phủ và các công ty nhà nước vẫn mở cửa, và chọn lựa công ty Trung Quốc nhận thầu, trong việc lắp đặt 10 tuyến cáp quang dưới biển.

Đây là một phần của Chiến lược Phát triển Cơ sở Hạ tầng Kỹ thuật số, do Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ký ngày 9/10. Trong khi đó, do lo ngại về vấn đề an ninh, giới chức Mỹ đã kêu gọi Việt Nam hết sức tránh các nhà thầu Trung Quốc, đặc biệt liên quan đến dự án xây dựng mới các tuyến cáp quang dưới biển.

Cụ thể, Hoa Kỳ đã thúc giục Việt Nam phải tránh xa Công ty lắp đặt cáp HMN Technologies của Trung Quốc, trong kế hoạch xây dựng 10 tuyến cáp mới dưới biển, từ nay đến năm 2030. Cảnh báo này được đưa ra do lo ngại Bắc Kinh sẽ do thám, và đánh cắp các dữ liệu. Trong đó, có mối nguy tiềm tàng đối với an ninh, quốc phòng, cũng như “khả năng phá hoại và hoạt động gián điệp”.

Nhưng không hiểu vì lý do gì, Thủ tướng Chính vẫn quyết định lựa chọn nhà thầu HMN của Trung Quốc?

Tương tự, trong dự án Đường sắt Cao tốc Bắc Nam, giới quan sát vẫn lo ngại bàn tay của Bắc Kinh trong dự án này, mặc dù đã có chủ trương không vay tiền bất cứ nước nào để thực hiện dự án.

Có người đặt câu hỏi, tại sao dự án Đường sắt cao tốc Bắc Nam lại nóng lên giữa lúc này? Tại sao Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định “Chỉ bàn làm, không bàn lùi”? Phải chăng, do có sự thúc đẩy của Trung Nam Hải?

Hơn nữa, mặc dù sự chuẩn bị cho dự án Đường sắt Cao tốc Bắc Nam chưa đầy đủ và chu đáo, đồng thời, đã có sự phản đối và nghi ngờ của công luận, nhưng Thủ tướng Phạm Minh Chính vẫn yêu cầu, Hội đồng Thẩm định Nhà nước phải hoàn thành thẩm định trước ngày 18/10, ngay trước khi khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa 15.

Sự vội vã của Thủ tướng Chính có liên quan gì đến những thỏa thuận của Chủ tịch Tập Cận Bình với lãnh đạo Việt Nam, trong chuyến thăm Hà Nội vào tháng 12/2023 hay không? Khi đó, ông Tập cho biết, Trung Quốc sẽ mang đến công nghệ đường sắt cao cấp, để giúp Việt Nam nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, cũng như, phía Trung Quốc sẵn sàng cung cấp các khoản trợ cấp và cho vay.

Dự án Đường sắt Cao tốc Bắc Nam nằm trong Đại dự án Vành Đai – Con Đường của Trung Quốc, với mục đích gây ảnh hưởng về chính trị và kinh tế, đồng thời là “bẫy nợ” rất nguy hiểm đối với các quốc gia vay vốn Trung Quốc.

Theo một số ý kiến, ngoài Trung Quốc, Việt Nam sẽ khó tìm được một nhà đầu tư có khả năng vốn cũng như công nghệ làm đường sắt cao tốc. Trong lúc, Việt Nam hoàn toàn không đủ vốn và không có công nghệ. Do vậy, đối với dự án trị giá gần 70 tỷ USD, Việt Nam buộc phải vay vốn Bắc Kinh, là điều khó tránh khỏi.

 

Trà My – Thoibao.de