Thấy gì qua chuyến thăm Trung Quốc của Lương Cường và chuyến thăm Việt Nam của Lý Cường?

Thủ tướng Trung quốc Lý Cường đến thăm Việt Nam từ ngày 12 đến ngày 14 tháng 10, theo lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Chuyến thăm của ông Lý Cường diễn ra trong bối cảnh được cho là “cơm không lành, canh không ngọt”, giữa 2 người đứng đầu Đảng và nhà nước của Việt Nam và Trung Quốc.

Theo một số nhận định, ông Tập Cận Bình không hài lòng về chuyến công du Hoa Kỳ của ông Tô Lâm, trong đó có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Đồng thời, ông Tập cũng khó chịu khi Việt Nam nâng cấp quan hệ ngoại giao với Cộng hòa Pháp lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Pháp là một thành viên của Liên minh châu Âu, và là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Có suy đoán cho rằng, Thủ tướng Lý Cường đóng vai trò sứ giả, để “hàn gắn” mối bất đồng giữa ông Tô Lâm và ông Tập. Đây là biểu hiện xuống thang của Ban lãnh đạo Trung Quốc, nhằm nhanh chóng bình thường hóa quan hệ đôi bên, để tiếp tục tăng cường ảnh hưởng của Bắc Kinh với Hà Nội.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, đây chỉ là biện pháp “vừa đấm, vừa xoa”, và Trung Quốc sẽ không tha thứ cho Tổng Bí thư Tô Lâm. Trong khi, thái độ của các cá nhân và phe phái trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt là giới tướng lĩnh quân đội, dường như “im ắng khác thường”.

Điều đó có liên quan gì đến các tin tức hiện nay về chính trường Trung Quốc, khi có các đồn đoán cho rằng, nội bộ Ban lãnh đạo Bắc Kinh đang lục đục lớn. Nhiều tay chân thân tín của ông Tập bị cách chức, hay giáng cấp. Tức là, quyền lực của ông Tập đang suy giảm.

Một diễn biến khác, ngay trước khi  Lý Cường đến thăm Việt Nam, thì ngày 11/10 tại Bắc Kinh, Đại tướng Lương Cường – Thường trực Ban Bí thư, đã hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ông Lương Cường sang thăm Bắc Kinh, khi chỉ còn ít ngày là Quốc hội Việt Nam sẽ bầu Chủ tịch nước mới, thay ông Tô Lâm; và theo giới quan sát, ông Lương Cường là ứng viên sáng giá nhất cho chiếc ghế Chủ tịch nước.

Theo Tân Hoa Xã, tại cuộc họp với ông Tập Cận Bình, Đại tướng Lương Cường phát biểu: “Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa Xã hội đặc sắc của Trung Quốc, có ý nghĩa chỉ đạo quan trọng, đối với các nước Xã hội Chủ nghĩa như Việt Nam”.

Điều này chứng tỏ, quan điểm của Tướng Lương Cường trái ngược và khác biệt với Tổng Bí thư Tô Lâm, người được đánh giá là thực dụng, không đặt nặng về lý thuyết.

Không như các lãnh đạo Việt Nam từ trước đến nay, ông Tô Lâm được cho là không mấy coi trọng việc giữ thế cân bằng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Một thí dụ gần đây nhất, ngày 10/10/2024, trang website chính thức của Bộ Quốc phòng Mỹ đã có bài viết nêu rõ, Hoa Kỳ và Việt Nam hợp tác quốc phòng và các lợi ích an ninh chung với Việt Nam đã và đang gia tăng.

Đó cũng là nguồn cơn của sự mâu thuẫn trong nội bộ Đảng hiện nay, về chính sách đối ngoại của ông Tô Lâm. Đó cũng là một lỗ hổng để cho ông Lương Cường tận dụng, nhằm giành lấy sự ủng hộ của Ban lãnh đạo Bắc Kinh, trong việc trở thành tân Chủ tịch nước sắp tới đây.

Khi trở thành Chủ tịch Nước, một trong 4 chiếc ghế “tứ trụ” đầy quyền lực, thì cơ hội ở lại Đại hội 14 của Lương Cường sẽ rất cao. Cũng như các ông Tô Lâm, Phạm Minh Chính, ông Lương Cường đủ điều kiện để nằm trong trường hợp “ngoại lệ”.

Tuy nhiên, Đại tướng Lương Cường cần biết rằng, mặc dù hiện nay, ông đã là một giới chức lãnh đạo dân sự, nhưng trước đây ông thuộc giới lãnh đạo quân đội. Trong quân đội có những mảng màu mỡ, như mua bán vũ khí, mua bán chức quyền, ưu tiên sử dụng đất đai và tài nguyên, và ít có tướng lĩnh nào không nhúng chàm.

Điều này sẽ là một bài toán quá dễ, với một ông “trùm” an ninh tình báo như Tô Lâm mà hiện nay là Bí thư Quân ủy Trung ương. Thậm chí, có đồn đoán cho rằng, Tổng Bí thư Tô Lâm đang “giăng bẫy”, để úp sọt tân Chủ tịch nước Lương Cường trước Đại hội Đảng 14, sẽ tổ chức vào đầu năm 2026.

 

Trà My – Thoibao.de