Ngày 30/10, VOA Tiếng Việt cho hay “Tổng Bí thư Tô Lâm “sốt ruột” vì Việt Nam “lò dò, lom dom”; nhiều người gợi ý dân chủ là chìa khóa”.
VOA dẫn báo chí trong nước, đưa tin, ông Tô Lâm nói hôm 26/10 trong cuộc họp của Quốc hội, rằng, sau 40 năm đổi mới, đất nước đã có những thành tựu có thể gọi là “kỳ tích”, “vĩ đại”, nhưng nhìn ra thế giới lại thấy “sốt ruột”, vì họ phát triển rất nhanh.
VOA cho biết, ông Tô Lâm nhấn mạnh, một số vấn đề cản trở sự phát triển của đất nước, là nạn lãng phí; các quy định, chính sách còn “vướng”; và sự phối hợp kém giữa các cơ quan, các địa phương…
Ông nêu ra thực tế, đó là, hàng trăm, hàng nghìn dự án đầu tư công ở các địa phương, được cấp cho doanh nghiệp “nhưng triển khai lại vướng, lại đứng chờ nhau”.
Theo VOA, báo Dân Việt dẫn chất vấn của vị Tổng Bí thư, rằng “Tại sao mình làm chính sách lại vướng chính mình? … Nhà nước không làm được, thì sao doanh nghiệp làm được?”
Và ông chỉ đạo rằng, “Khó đến đâu gỡ đến đó, nhìn từng cái mà gỡ … không thể đổ lỗi và cũng không thể chờ đợi nhau”.
“Tiềm năng đất nước phải được tạo ra của cải vật chất. Tôi hết sức sốt ruột, không thể chậm trễ hơn được. Nếu đứng chờ, thì lỡ hết cơ hội”, ông thúc giục.
Ông lấy Ireland làm dẫn chứng, cho rằng, nước này từng thuộc diện nghèo nhưng hiện nay rất phát triển, thu nhập bình quân đứng thứ nhì thế giới, nhờ dựa vào công nghệ số, công nghệ sinh học… GDP gấp gần 24 lần Việt Nam, trong năm 2023.
VOA cũng cho biết, những phát biểu mới nhất này của ông Tô Lâm, đã lan truyền và nhận được nhiều bình luận trên mạng xã hội.
VOA dẫn chia sẻ của Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, cho rằng:
“Tất cả những điều đó có chỉ dấu và cũng đem lại hy vọng, là lãnh đạo đã nhận thức rõ vấn đề và muốn có cải cách. Vấn đề bây giờ là phải có chính sách và những hành động cụ thể, tiếp theo các lời tuyên bố như vậy.”
VOA trích một số ý kiến bình luận trên trang Truyền hình Quốc hội Việt Nam, viết rằng:
“Ai cũng sốt ruột, nhưng mãi vẫn không giải quyết được thể chế phù hợp với sự phát triển – một dự án mà mất 16 năm với 40 con dấu, thì nền kinh tế không thể nào phát triển được.”
Hay: “Một xã hội thật sự công bằng, dân chủ, văn minh, thì dân sẽ giàu và nước sẽ mạnh thôi, bác Tổng Bí thư ạ”.
VOA dẫn trang cá nhân của nhà hoạt động Nguyễn Văn Đài, từ Đức, cho rằng, ông Tô Lâm “chưa nhận ra nền tảng cơ bản để nhân dân và chính phủ Ireland dựa vào để phát triển kinh tế, là chế độ dân chủ đa đảng và có các nước EU, Mỹ… là đồng minh”.
“Cho dù Tô Lâm có “sốt ruột” hết phần đời còn lại, cũng không giúp được gì cho người dân và đất nước, nếu không dũng cảm xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp và thể chế chính trị độc đảng”.
VOA cũng dẫn nhận định của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cống, rằng, thể chế chính trị là điều quyết định sự thành bại của các quốc gia.
“Phải có những cuộc cách mạng mạnh mẽ, may ra mới cải tiến được. Việt Nam nói thì hay. Ông nào nói cũng hay, nhưng làm rất kém. Tại vì, trước đây, những người nào dám nói trái ý họ thì người ta vu oan giáo họa, bắt bỏ tù. Thành ra, đổi mới cách mạng nhất là đổi mới chính trị, đổi mới thể chế.”
VOA tiếp tục dẫn quan điểm của doanh nhân Trần Quốc Quân, cho rằng, các chế độ dân chủ hay độc tài hay quân phiệt… là những phương tiện khác nhau để quản trị đất nước, sao cho đạt được mục đích “dân giàu, nước mạnh”.
Ông dẫn ra sự phát triển và chuyển đổi của Hàn Quốc, để nhấn mạnh rằng, sau khi đạt được “dân giàu, nước mạnh”, để đi đến “xã hội công bằng, văn minh”, đất nước phải có “nền dân chủ, pháp quyền”.
Theo ông Quân, các chuẩn mực về dân chủ đã tồn tại nhiều thế kỷ, và các nước xây dựng nền văn minh đều hướng tới.
“Mô hình là nhân dân làm chủ thật sự, chứ không phải là làm chủ trên khẩu hiệu. Dân chủ được thực hiện bằng cách nào? Bằng chính lá phiếu của mình. Dân mà thực hiện quyền lãnh đạo đất nước của mình bằng lá phiếu của mình thì rất cần một xã hội đa nguyên. Không thể nào mà một tập đoàn lãnh đạo độc quyền được.”
Xuân Hưng – thoibao.de