Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ xử lý bộ máy Nhà nước “3 trong 1” quá cồng kềnh như thế nào?

Trong những ngày gần đây, mạng xã hội của người Việt đã xôn xao trước điều phàn nàn của Tổng Bí thư Tô Lâm khi cho rằng, “Bộ máy cứ cồng kềnh như hiện nay thì làm sao chịu được”.

Truyền thông nhà nước đưa tin, ngày 31/10, nêu ý kiến thảo luận tổ ở Quốc hội, ông Tô Lâm đã cho rằng, bộ máy Nhà nước hiện nay quá cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả, do đó phải sắp xếp, phải tinh gọn lại.

Theo ông Tô Lâm, hiện nay, ngân sách nhà nước đang chi khoảng gần 70% chỉ để trả lương, chi thường xuyên, phục vụ cho bộ máy hoạt động. Ngân sách đã nuôi nhau hết, còn 30% thì còn tiền đâu để phát triển, lo củng cố quốc phòng, an ninh, và an sinh xã hội.

Công luận thấy rằng, trong khi ở các quốc gia khác, chi phí thường xuyên cho các hoạt động của bộ máy nhà nước cũng chỉ trên dưới 40%. Số còn lại trên 50% ngân sách, sẽ được sử dụng để phục vụ cho phát triển, cho quốc phòng, an ninh, giáo dục, y tế, an sinh xã hội.

Đó là chưa kể thâm hụt rất lớn do tình trạng tham nhũng, hối lộ của các quan chức lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương.

Cách đây hơn 30 năm, cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Tế đã từng phát biểu trước Quốc hội: “Ngân sách của ta phải nuôi đến ba bộ máy thì sức nào chịu được?”.

Được biết, 3 bộ máy mà cựu Bộ trưởng Hồ Tế nói đến, đó là, bộ máy Đảng, bộ máy Nhà nước và bộ máy các đoàn thể quần chúng,  Mặt trận Tổ quốc mà thực chất là cánh tay “nối dài của Đảng”.

3 bộ máy vừa kể rất cồng kềnh và cần chi phí nuôi dưỡng rất tốn kém. Theo đó, tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức từ Trung ương đến tận thôn xóm và bộ máy chính quyền cũng tương tự như vậy. Bên cạnh đó, bộ máy đoàn thể quần chúng, Mặt trận Tổ quốc tưởng như để trang trí vui chơi, nhưng cũng tiêu tốn kinh phí rất nặng nề.

Đáng kể nhất, cái gọi là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng có bộ máy từ Trung ương xuống tận đến xã, phường và đều ăn lương từ ngân sách.

Chưa kể đến các Hội Nhà văn, Hội Sân khấu Điện ảnh…, mang tính chuyên ngành, vậy mà cũng có bộ máy từ Trung ương xuống đến cấp tỉnh. Năm 2019, ông Hữu Thỉnh – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam đã từng vui mừng tuyên bố: “Nhà nước vẫn nuôi anh em chúng ta!”

Đây là hệ quả của chủ trương, chính sách, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo toàn diện và bao trùm trên tất cả mọi lĩnh vực trong xã hội. Việc tinh giản bộ máy nhà nước đã được hô hào suốt mấy chục năm qua, nhưng chẳng thấy tinh gọn hơn, mà ngược lại chỉ thấy phình to hơn trước.

Công luận thấy rằng, chưa từng có Tổng Bí thư nào của Đảng dám mạnh dạn công khai nói ra sự thật này như ông Tô Lâm. Nhưng tại sao, Bộ Công an dưới thời của cựu Bộ trưởng Tô Lâm từ năm 2016 tới đây, đã chi ngân sách lớn hàng thứ 2, chỉ sau Bộ Quốc phòng. Cụ thể, chi ngân sách cho Công an là hơn 113 ngàn tỷ đồng, gấp 13 lần ngân sách chi cho Y tế và Giáo dục.

Điều đó càng cho thấy, những tuyên bố hay phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, hoàn toàn mang tính chất tùy hứng, không phải là những chủ trương sâu rộng và mang tính chiến lược.

Vậy tại sao một bộ máy như Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam vẫn tồn tại mấy chục năm qua?

Câu trả lời đó là, người dân Việt Nam đã bị Nhà nước bắt buộc giảm các tiêu chuẩn an sinh xã hội, mà lẽ ra họ phải được hưởng. Việc cắt giảm ngân sách chi cho y tế và giáo dục, và đưa ra cái gọi là “xã hội hóa” y tế và giáo dục. Ngoài ra, dễ nhận ra nhất là việc tăng giá điện thường xuyên.

Tất cả việc làm trên nhằm mục đích duy trì sự tồn tại của một bộ máy nhà nước “3 trong 1” quá cồng kềnh và thiếu hiệu quả như hiện nay.

 

Trà My – Thoibao.de