Vì sao vị thế chính trị của Tổng Bí thư Tô Lâm đang suy yếu trong Đảng?

Công cuộc cải cách thể chế của Tổng Bí thư Tô Lâm, vì nhiều lý do đã phải nhường chỗ cho cái gọi là  “tinh gọn bộ máy” nhà nước. Mới đây, ông Tô Lâm đã kêu gọi và khẳng định đây là chủ trương lớn của đảng, đồng thời kêu gọi cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Theo tin nội bộ, dù rằng Tổng Bí thư Tô Lâm hiện nay vẫn là thế lực rất mạnh, nhưng với diễn biến trong nội bộ đảng đang diễn ra hiện nay, có thể bất ngờ thay đổi theo chiều hướng khác. Đặc biệt, khi Tô Lâm đang thực hiện việc cắt giảm bộ máy đảng và nhà nước quá gấp gáp theo kiểu mệnh lệnh của ngành công an.

Đây là một trong những lý do khiến Tổng Bí thư Tô Lâm  đã và đang gặp trở ngại rất lớn từ các phản ứng trong nội bộ của đảng, cũng như từ cán bộ, đảng viên trong bộ máy nhà nước. Đông đảo cán bộ, đảng viên cấp thấp là thành phần bị ảnh hưởng nặng nề trong cuộc tinh giảm lần này. Họ đang rất lo lắng và thiếu thiện cảm đối với ông Tô Lâm.

Vẫn theo nguồn tin nội bộ tiết lộ cho biết, các thế lực ngấm ngầm chống đối Tô Lâm trong Đảng Cộng Sản Việt nam đang liên kết với nhau và mạnh dần lên, với mục tiêu cao nhất là muốn đánh đổ ông Tô Lâm.

Theo giới phân tích, ông Tô Lâm và phe nhóm Hưng Yên hiện là một thế lực mạnh trong Đảng Cộng Sản Việt nam, với ưu tiên hàng đầu là duy trì chế độ và củng cố quyền lực. Sau khi kế nhiệm cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào đầu tháng 8/2024, ông Tô Lâm đã nhanh chóng củng cố quyền lực, bằng cách bổ nhiệm các đàn em thân cận vào những vị trí then chốt trong bộ máy đảng và nhà nước.

Tuy nhiên, việc tập trung quyền lực vào tay ông Tô Lâm cũng gây ra những lo ngại đối với một số đông các lãnh đạo cấp cao, về khả năng lạm quyền. Họ nghi ngờ rằng, liệu ông Tô Lâm thâu tóm quyền lực như hiện nay có đảm bảo sự ổn định và phát triển của đất nước hay không, hay chỉ vì lợi ích cá nhân?

Tuy nhiên, việc tháng 10/2024, ông Tô Lâm bị buộc phải từ bỏ chức Chủ tịch nước để nhường cho ông Lương Cường, một tướng lĩnh quân đội, đã cho thấy những nỗ lực trong sự cân bằng quyền lực giữa các phe phái trong Đảng. Đồng thời nó cũng  phản ảnh sự suy giảm ảnh hưởng của ông Tô Lâm trong nội bộ Đảng.

Ngoài ra, việc ông Tô Lâm đưa các đàn em thân cận vào những vị trí chủ chốt trong bộ máy lãnh đạo, cũng đã gây ra sự phản đối.

Theo giới quan sát dự đoán, sự cạnh tranh giữa các phe phái và những động thái củng cố quyền lực có thể gây ra những biến động khó lường trong nội bộ đảng trong tương lai gần. Đồng thời, sự phản đối từ các nhóm lợi ích và phe phái khác trong đảng đang trở thành những thách thức trong việc thực hiện cải cách.

Trong khi các cấp lãnh đạo cao hơn vẫn giữ vững quyền lực và vai trò, thì nhóm cán bộ, đảng viên cấp thấp là thành phần bị ảnh hưởng nặng nề trong lần tinh giảm này. Họ rất lo lắng về tương lai và tỏ rõ thái độ không ủng hộ ông Tô Lâm.

Hơn nữa, cho đến nay, ông Tô Lâm và bộ tham mưu không đưa ra được một kế hoạch cụ thể, minh bạch và hợp lý trong việc tinh gọn bộ máy. Điều đó, sẽ dẫn tới việc ông Tô Lâm có thể đối mặt với sự suy giảm uy tín nghiêm trọng. Và điều đó có thể tạo ra hiệu ứng ngược, khiến ông Tô Lâm phải đối mặt với sự phản kháng mạnh mẽ từ trong nội bộ Đảng.

Các nhóm bị ảnh hưởng có thể liên kết với nhau để phản đối, hoặc thậm chí liên minh với các phe phái chống đối để làm suy yếu vị thế của ông Tô Lâm. Điều đó có thể sẽ đẩy ông Tô Lâm vào tình thế rất khó khăn, trong việc trở thành trường hợp ngoại lệ, để ở lại Đại hội Đảng lần thứ 14, trong các kỳ họp Trung ương sắp tới.

Có suy đoán cho rằng, khả năng cao Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ là Tổng Bí thư tại Đại hội 14, chứ không phải là ông Tô Lâm. Mời quý vị theo dõi ở phần tiếp theo./.

 

Trà My – Thoibao.de